Khu vực sông Hàn đang được “thắp sáng”, làm đẹp bằng những công trình, sản phẩm du lịch mới để xứng tầm vị thế “trái tim” đô thị biển Đà Nẵng vươn tầm quốc tế.
“Thắp sáng” đôi bờ sông Hàn
Cuối năm 2023, Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông, tỷ lệ 1/2.000 chính thức được UBND Thành phố Đà Nẵng phê duyệt. Với phạm vi quy hoạch khoảng 6.675 ha, phân khu ven sông Hàn và bờ đông được khẳng định là trung tâm đô thị, hành chính – chính trị; cửa ngõ du lịch ven sông, ven biển; trung tâm hội nghị quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính, giáo dục và đào tạo chất lượng cao miền Trung và trung tâm văn hóa – thể thao, y tế của Đà Nẵng.
Thành phố sẽ tổ chức không gian mở, kết hợp giữa mặt nước, hành lang xanh dọc sông và các công viên lớn. Các công trình công cộng, dịch vụ kết nối với sông và biển tạo thành không gian tự nhiên hài hòa, sinh thái.
Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông được phê duyệt là cơ sở để nhanh chóng “tái thiết”, làm mới, làm đẹp khu vực được coi như “trái tim” của Thành phố. Các điểm nhấn đặc biệt của khu vực này như: Khu Bảo tàng sống được quy hoạch là khu vực đô thị truyền thống giới thiệu về lịch sử và lối sống đô thị tại Đà Nẵng; Khu thương mại trung tâm là các khu dịch vụ, hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ, cây xanh…định hướng thành trung tâm kinh tế mới của Thành phố. Các công trình điểm nhấn đô thị như tổ hợp cao tầng, công trình thương mại dịch vụ cao tầng, các khu phức hợp, công trình điểm nhấn trên các trục du lịch; Tổ hợp pháo hoa quốc tế; Cụm công trình điểm nhấn trong không gian mở Khu vực Cổ Viện Chàm – công viên APEC – đường Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – đường Trần Hưng Đạo – cầu Rồng…
Nhìn vào những điểm nhấn trên, thấy hiện diện rõ nét một diện mạo mới, hiện đại, tràn đầy sức sống của trung tâm thành phố biển. Quy hoạch không chỉ bổ sung cho nơi này các công trình được xem là “biểu tượng mới”, mà còn mang đến lợi ích “kép”: vừa nâng tầm đô thị, thu hút khách du lịch, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu không gian sống hiện đại cho người dân. Theo quy hoạch, đến năm 2030, dân số khu vực sông Hàn và bờ Đông lên tới 614.000 người.
Với vai trò đặc biệt, khu vực sông Hàn vẫn luôn được Thành phố quan tâm đầu tư nguồn lực. Theo đó, Thành phố dự kiến sẽ triển khai dự án “Dòng sông ánh sáng ” với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng để “thắp sáng đôi bờ sông Hàn” và 5 cây cầu, đưa sông Hàn trở thành “trái tim” thành phố biển, không gian sinh hoạt sôi động suốt đêm ngày. Nhận định về dự án, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Đây là một ý tưởng rất tốt, có thể thay đổi hệ thống sản phẩm điểm đến với tư cách là một sản phẩm rất nổi bật. Chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ dự án này và mong sớm đưa vào khai thác”.
Tầm nhìn phát triển khu vực sông Hàn với quy hoạch mới, các dự án lớn đang được ấp ủ triển khai cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân. “Chúng tôi rất hào hứng chờ đón những đổi thay sắp tới của sông Hàn. Khi đôi bờ sông được thắp sáng, khang trang, hiện đại hơn, chắc chắn sẽ thu hút du khách ngày càng nhiều, hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ hưởng lợi” – anh Hoàng Anh – một chủ sở hữu khách sạn lâu năm trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hải Châu) chia sẻ.
Không ngừng gia tăng trải nghiệm du lịch
Cùng với những dự án hạ tầng mới sẽ sớm được Thành phố triển khai để từng bước hiện thực hóa quy hoạch khu vực sông Hàn và bờ Đông, thì chuỗi sự kiện, lễ hội hấp dẫn cũng không ngừng được bổ sung để gia tăng sức sống cho đôi bờ sông Hàn, thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng.
Theo thông tin từ TP Đà Nẵng, năm 2024, hai bên bờ sông Hàn là nơi diễn ra của 55 sự kiện, hoạt động văn hóa – lễ hội định kỳ và thường niên với nhiều hoạt động mới lạ, có tính đột phá, bám sát với nhu cầu, thị hiếu của người dân và du khách, gồm vũ hội đường phố, hát bài chòi, ảo thuật đường phố, chương trình âm nhạc và cuộc sống, giai điệu cuối tuần, tuồng xuống phố…
Đặc biệt, khu vực sông Hàn tiếp tục là nơi diễn ra Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng – lễ hội thương hiệu của điểm đến sự kiện – lễ hội hàng đầu châu Á này. Bên cạnh đó, các chương trình du ngoạn sông Hàn về đêm, ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước, sự kiện giải trí âm nhạc, show trình diễn ấn tượng… mang đến những trải nghiệm khác biệt, chỉ có ở Đà Nẵng – Thành phố của sông, của biển và của những cây cầu.
Tới đây, Đà Nẵng dự kiến đưa vào hoạt động thí điểm tuyến phố đi bộ Bạch Đằng. Đây sẽ là tuyến phố đi bộ quy mô có chiều dài 1,2 km, kéo từ tuyến đường Bạch Đằng nối dài dẫn lên cầu Trần Thị Lý đến cuối Công viên APEC và được kết nối với cầu Nguyễn Văn Trỗi, hứa hẹn mang đến sản phẩm du lịch, mua sắm, giải trí ấn tượng cho du khách và người dân, góp phần thắp sáng kinh tế đêm Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, loạt sản phẩm du lịch mới cũng sắp ra mắt tại Công viên Châu Á Asia Park như: chợ đêm “bên sông” Vui Phết, show diễn thể thao nghệ thuật mạo hiểm River of Light – Dòng sông Ánh sáng đưa những nhà vô địch Jetski thế giới đến thành phố sông Hàn, show diễn Rối Việt tôn vinh di sản văn hóa dân tộc hay show diễn Loảng Xoảng đầy ắp thanh âm cuộc sống được trình diễn hàng ngày…Tất cả cộng hưởng đưa đôi bờ sông Hàn thành tâm điểm giải trí, du lịch đêm của thành phố biển.
Nhìn lại hơn 20 năm trước, khu vực sông Hàn là hàng loạt nhà chồ, đôi bờ cách trở, người dân phải đi phà sang sông. Kể từ năm 1997 khi trở thành TP trực thuộc Trung ương, trong công cuộc xây dựng, kiến thiết chung, thành phố đã xây hàng loạt cây cầu bắc qua sông, đưa hình ảnh nhà chồ đi vào dĩ vãng, thay vào đó là các khu dân cư, chung cư khang trang, mang đến chất lượng sống ngày càng tốt hơn cho người dân.
Nhưng không dừng ở đó. Đã tới lúc sông Hàn “khoác áo mới” xứng tầm vị thế. Tới đây, kỳ vọng về một công cuộc tái thiết toàn diện cho sông Hàn là có cơ sở khi những quy hoạch tầm cỡ, những sự kiện, lễ hội, sản phẩm du lịch không ngừng được đầu tư…đưa thành phố biển vươn tầm quốc tế.
Mời xem thêm: Đà Nẵng sẽ bứt phá trong cuộc đua mới nhờ cơ chế đặc thù