Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Đây là cơ hội để Đà Nẵng phát triển bứt phá.
Đề án về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Ban cán sự Đảng – Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình, vừa được Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương. Như vậy, Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện sẽ đặt tại TP Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng.
Trong đề án của Bộ KHĐT, Đà Nẵng đã đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần tại khu lõi gồm các lô đất A12, A13, A14, A15 trên đường Võ Văn Kiệt và lô đất A* giáp đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt với diện tích hơn 6ha. Ngoài ra, có thể mở rộng thành khu phố tài chính là vùng diện tích địa lý nằm tại khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích khoảng 62ha. Đồng thời phát triển Trung tâm công nghệ tài chính ở khu đất phía Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7ha. Các khu vực nêu trên được xác định là không gian lõi, được tập trung nguồn lực phát triển TTTC, có thể được điều chỉnh mở rộng theo từng giai đoạn.
Tuy vậy, Trung tâm tài chính khu vực hay quốc tế không đơn thuần là cơ sở hạ tầng, mà quan trọng nhất là cơ chế, khung thể chế phù hợp với các hoạt động.
Trên thế giới có rất nhiều thành phố xây dựng những trung tâm tài chính rất đẹp với những toà nhà cao tầng, nhưng không có những khung thể chế, những hoạt động tài chính hấp dẫn các công ty thì sẽ không tạo ra được sự khác biệt trong thị trường tài chính quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng TTTC Khu vực, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ các mô hình TTTC quốc tế và khu vực đã có sẵn trên thế giới như TTTC theo mô hình tự nhiên London, New York… Mô hình cải cách và hiện đại hóa, dựa trên chiến lược bài bản và trải qua từng cấp độ từ thấp lên cao của TTTC (Singapore, Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc)…) và mô hình độc lập và chuyên biệt, áp dụng ngay các chính sách có độ mở cao, cơ chế đặc thù riêng biệt mang tính đột phá, tại khu vực địa lý tách biệt, theo mô hình mới, hiện đại (Dubai, Abu Dhabi của UAE, Astana của Kazakhstan)…
Được biết, Trung tâm Tài chính tại Đà Nẵng sẽ hoạt động theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại. Theo mô hình này có thể áp dụng ngay để tận dụng các lợi thế hiện tại của Việt Nam. Đây là một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh cao. Các nhà đầu tư đều được xem là doanh nghiệp nước ngoài.
Mô hình này nhằm thiết lập một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh, có tính gắn kết yếu với các thị trường tài chính trong nước còn đang trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn.
Theo UBND TP Đà Nẵng, việc xây dựng cũng như hình thành đưa vào hoạt động Trung tâm Tài chính khu vực đòi hỏi thời gian dài, ít nhất là 5 năm. Để có thể lựa chọn mô hình phù hợp cũng như vận hành hiệu quả thì cần phải nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau trong quá trình xây dựng mô hình cũng như thể chế, chính sách…
Mời xem thêm: TP Đà Nẵng được phép thành lập trung tâm tài chính khu vực