Phát triển Quảng Ngãi theo tầm nhìn “Đa sắc – Hiệp đồng – Khác biệt”

29/05/2023
Viet Nam Smart City trêngoogle news

Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND Tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với việc chọn tầm nhìn chiến lược “Đa sắc – Hiệp đồng – Khác biệt”, Quảng Ngãi hoạch định phương hướng, điều hành hoạt động kinh tế – xã hội, khơi thông nguồn lực để phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững.

Phát triển Quảng Ngãi theo tầm nhìn “Đa sắc - Hiệp đồng - Khác biệt” - Viet Nam Smart City

Quảng Ngãi sẽ trở thành một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết với TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định.

Nhận diện cơ hội và thách thức

Nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của công tác quy hoạch đối với Quảng Ngãi tại Hội nghị thẩm định Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cho rằng, quy hoạch là cơ hội để Quảng Ngãi định hình lại mình trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, là cơ hội để Tỉnh xác định đâu là điểm nghẽn cần giải quyết, đâu là xung lực, động lực phát triển để sắp xếp, cơ cấu lại không gian các ngành, tận dụng các tiềm năng lợi thế, tiếp đà phát triển nhanh, bền vững.

Về vị trí, Quảng Ngãi là địa phương nằm ở trung tâm của đất nước và có mối liên kết chặt chẽ, gắn kết với các nước ASEAN và các nước thuộc hành lang kinh tế Đông Tây (Việt Nam – Lào – Thái Lan – Myanmar). Quảng Ngãi nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, liên hệ thuận tiện với các trung tâm vùng theo trục dọc: Huế – Đà Nẵng – Tam Kỳ – Quảng Ngãi – Quy Nhơn, là cửa ngõ ra biển của hành lang thương mại quốc tế từ các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Bắc Campuchia qua cửa khẩu Bờ Y và Quốc lộ 24. Quảng Ngãi có Khu kinh tế Dung Quất nằm trong hành lang kinh tế ven biển, tiếp giáp Khu kinh tế mở Chu Lai, có các tuyến đường thủy qua cảng Dung Quất, Sa Kỳ… và các tuyến đường giao thông trọng yếu quốc gia đi qua bao gồm: đường sắt Bắc Nam, đường bộ cao tốc, Quốc lộ 1, Quốc lộ 24, trục dọc ven biển quốc gia… Do đó, Quảng Ngãi có đủ yếu tố thuận lợi hình thành mối liên kết hội nhập của toàn miền Trung.

Dựa trên những điều kiện thuận lợi, Quảng Ngãi đã có bước phát triển nhanh trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,4% đều qua các năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Quảng Ngãi dần chậm lại trong giai đoạn 2016 – 2020, thể hiện qua các giá trị thu ngân sách, tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người, tốc độ đô thị hóa thấp hơn so với mức bình quân vùng và bình quân cả nước. Ngoài ra, cơ cấu kinh tế của Tỉnh mất cân đối do quá phụ thuộc vào các ngành công nghiệp nền tảng như lọc dầu, luyện kim thép. Cấu trúc các ngành kinh tế đang thay đổi theo hướng công nghiệp hóa nhưng tốc độ chuyển đổi còn chậm, hiệu quả thấp. Chính những điểm nghẽn này đặt ra yêu cầu Quảng Ngãi phải cơ cấu lại các ngành sao cho hài hòa, phát huy tối đa lợi thế vốn có của địa phương thông qua bài toán quy hoạch.

Lựa chọn chiến lược đúng đắn

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, một chiến lược đúng sẽ giúp địa phương phát triển vượt bậc. Do đó, công tác lập quy hoạch của Quảng Ngãi đã được thực hiện một cách nghiêm túc và thận trọng.

Theo Nghị quyết Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi xây dựng tầm nhìn chiến lược “Đa sắc – Hiệp đồng – Khác biệt” dựa trên những ưu thế riêng có của mình, hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững. Theo đó, Quảng Ngãi sẽ trở thành một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết với TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định trở thành trung tâm kinh tế khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Quảng Ngãi (kết hợp Quảng Nam) phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, phát triển kinh tế biển – đảo, kinh tế rừng xanh…

Quy hoạch xây dựng 3 kịch bản phát triển với những ưu thế và nhược điểm riêng. Kịch bản 1 là phát triển theo hướng đa trung tâm; kịch bản 2 là phát triển theo hướng công nghiệp hóa toàn diện và kịch bản 3 theo hướng hài hòa và bền vững. Dựa trên điều kiện thực tế cũng như tiềm lực, dư địa hiện có, Quảng Ngãi lựa chọn phát triển theo hướng hài hòa và bền vững.

Cụ thể, định hướng đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 7,25 – 8,25%/năm; thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước (7.700 – 7.900 USD); là một tỉnh công nghiệp với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim đứng đầu cả nước. Các loại hình công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao dần hình thành tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Tỉnh từng bước xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch. Các mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn dần được nhân rộng.

Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi là một tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung; các loại hình dịch vụ tiên tiến, hiện đại và đặc sắc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế; các loại hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trở thành mũi nhọn của lĩnh vực nông nghiệp; hệ thống hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với nhu cầu phát triển.

Trên cơ sở phân tích thực trạng, nhận diện các thế mạnh, điểm yếu của từng vùng, khu vực, Quảng Ngãi định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược (Hành lang kinh tế Bắc Nam: Dung Quất – TP. Quảng Ngãi – Sa Huỳnh; Hành lang Ba Vì (Ba Tơ) – Sơn Hà – Sơn Tây – Trà Bồng; Hành lang Lý Sơn – Dung Quất – Trà Bồng – Trà My dọc Quốc lộ 24C mở rộng kết nối Trà My, và cửa khẩu Nam Giang; Hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 24 Sa Huỳnh – Ba Tơ – Bờ Y) và 6 không gian kinh tế động lực (Thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận; Vùng động lực công nghiệp; Khu vực kinh tế sinh thái biển; Khu vực kinh tế rừng xanh; Hành lang nông nghiệp bền vững; Đảo Lý Sơn – “ngọc lớn – ngọc bé” của Biển Đông). Đây được xem là cấu trúc của sự phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực duyên hải, trung du, miền núi và hải đảo của tỉnh Quảng Ngãi.

Cũng theo quy hoạch, Quảng Ngãi có hai trung tâm động lực tăng trưởng, trong đó, Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Khu du lịch Đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển – đảo quốc gia.

Trước đó tại Hội nghị thẩm định Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi được Hội đồng thẩm định đánh giá là công phu, nghiêm túc, khoa học; nội dung quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển đất nước, thể hiện khá rõ nét khát vọng vươn lên, sự liên kết, đồng bộ hạ tầng, sắp xếp không gian phát triển của Tỉnh trong thời gian tới.

Mời xem thêm: Quảng Ngãi phê duyệt đầu tư đô thị du lịch lớn ven biển

Bài viết liên quan

DỰ ÁN MỸ KHÊ ANGKORA PARK TẠO ‘SÓNG’ TẠI THỊ TRƯỜNG QUẢNG NGÃI NHỜ VỊ TRÍ ĐẮC ĐỊA

31/12/2021

Giữa thời điểm giá bất động sản ven biển liên tục leo dốc, nhà đầu tư ráo riết săn tìm mà nguồn cung khan hiếm, dự án khu đô thị ven biển Mỹ Khê Angkora Park tại Quảng Ngãi đã được truyền tai, trở thành một “hiện tượng” tại thị trường này. Nhiều năm trước, Quảng Ngãi chỉ […]

Xem thêm