Với sự trở lại mạnh mẽ của ngành du lịch – dịch vụ sau dịch bệnh, tổng sản phẩm địa bàn Đà Nẵng (GRDP) tăng trưởng mạnh mẽ, xếp thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng và thứ 17 về quy mô nền kinh tế.
Sáng 30/12, Cục Thống kê TP Đà Nẵng tổ chức họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội TP Đà Nẵng năm 2022.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, quỹ đạo phục hồi kinh tế của Đà Nẵng năm 2022 chuyển biến khá tích cực. Trên nền tăng trưởng âm của 6 tháng cuối năm 2021, GRDP 6 tháng cuối năm 2022 lần đầu tiên đạt mức tăng kỷ lục 20,77% so với cùng kỳ năm trước. Đây là động lực chính giúp kinh tế cả năm 2022 phục hồi và phát triển so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, GRDP cả năm 2022 ước tăng 14,05% so với năm 2021; tăng 15,34% so với năm 2020 và tăng 6,34% so với năm 2019. Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng năm 2022 ước đạt hơn 125.000 tỷ đồng, mở rộng gần 17.400 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, khu vực dịch vụ vẫn chiếm đa số trong giá trị tăng thêm (hơn 13,6 nghìn tỷ đồng).
Về cơ cấu quy mô nền kinh tế, khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn (68,38%), tiếp đó là khu vực công nghiệp và xây dựng (chiếm 20,43%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,95%.
Lĩnh vực du lịch phục hồi tích cực, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành năm 2022 ước đạt gần 21.000 tỷ đồng (tăng 99,3% so với năm 2021).
Ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng – đánh giá: “Khu vực dịch vụ luôn là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng. Lĩnh vực du lịch được phục hồi tích cực, góp phần thu hút du khách trong nước và từng bước khôi phục thị trường khách quốc tế đến với Đà Nẵng”.
Tuy nhiên, với việc khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô nền kinh tế, Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng cho hay, cần có sự tính toán điều chỉnh tỷ trọng các ngành.
“Hiện, tỷ trọng khu vực dịch vụ cao hơn so với định hướng chung của thành phố. Chúng tôi cũng đã đề xuất chính quyền thành phố cần có sự tính toán, cân đối tỉ trọng ngành dịch vụ so với các ngành khác. Để khi xảy ra dịch bệnh như COVID-19 vừa qua, nền kinh tế sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn”, ông Vũ nói.
Xét trên phạm vi cả nước, năm 2022 GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tốc độ phát triển; xếp thứ 17/63 về quy mô.
So với khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ phát triển và xếp thứ 4/5 về quy mô. Trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu cả tốc độ phát triển và quy mô.
Dù tình hình thế giới có nhiều biến động, tuy nhiên, cả năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn vẫn duy trì ở trạng thái xuất siêu, là tiền đề, động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều sơ bộ 11 tháng đầu năm 2022 đạt 3,26 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,91 tỷ USD (tăng 18,1%); nhập khẩu hàng hóa đạt 1,35 tỷ USD (tăng 12,2%).
“Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu liên tục trong 11 tháng qua. Tỷ trọng đóng góp giá trị xuất khẩu đối với mức tăng trưởng chung của thành phố năm 2022 ước đạt gần 45%; cao hơn rất nhiều so với mức đóng góp năm 2019 (3,1%) – thời điểm trước đại dịch”, ông Vũ nói.
Hạn chế của kinh tế Đà Nẵng trong năm qua đó là tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên GRDP chỉ ước đạt 29,5%, thấp nhất từ năm 2010 đến nay. Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 mới đạt 88,2% kế hoạch, ước khoảng 5.687 tỷ đồng (giảm 14,2% so với năm 2021).
Trong thu hút vốn đầu tư FDI, năm 2022, Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 50 dự án FDI mới, nhưng tổng vốn đăng ký chỉ đạt 70,24 triệu USD (chỉ bằng 46,8% so với năm 2021).
Theo Tiền Phong