Năm 2002, sau hơn 5 năm đưa Đà Nẵng từ một thành phố trực thuộc tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Chính phủ ban hành Quyết định số 465/QĐ-TTg phê duyệt đồ án quy hoạch chung đến năm 2020, trong đó xác định: Đà Nẵng là một đô thị trung tâm cấp quốc gia và trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đến nay, sau gần 20 năm nhìn lại cuộc cách mạng của thời kỳ đổi mới, Đà Nẵng đã làm gì để có thể hiện thực hóa giấc mơ đầy tham vọng này?
Thành phố Đà Nẵng trước năm 2000
Định hình bản thể đô thị từ địa lý
Bên cạnh vị trí chiến lược với vai trò trọng yếu kết nối hai miền, phía trước là biển Đông, phía sau là Tây Nguyên và các nước vùng Đông Dương, Đà Nẵng còn sở hữu một địa thế đặc biệt – nơi vừa có núi cao, sông sâu, xen kẽ với vùng đồng bằng ven biển. Phía Bắc là vùng núi có “thiên hạ đệ nhất hùng quan” – đèo Hải Vân, kết nối với cố đô Huế. Phía Tây là tiên cảnh Bà Nà. Phía Đông sơn thủy hữu tình có bán đảo Sơn Trà, biển Mỹ Khê. Xuôi về phương Nam có sông Cổ Cò, danh thắng Ngũ Hành Sơn, trên “con đường tơ lụa” kết nối với đô thị cổ Hội An.
Quyết định số 465/QĐ-TTg được ban hành vào năm 2002, định hướng Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm cấp quốc gia, chính là nền tảng vững chắc để thành phố từng bước xây dựng diện mạo đô thị, phát triển mạnh mẽ và đầy cá tính trong suốt hành trình 20 năm qua.
Xây dựng nền tảng từ cơ sở hạ tầng giao thông
Ngày 29/3/2000, cầu Sông Hàn được khánh thành, là kết quả từ ý tưởng và sự đóng góp của chính con người Đà Nẵng, đánh một dấu son tuyệt đẹp cho bước chuyển mình của thành phố trong thời đại mới. Đến năm 2019, từ hai cây cầu cũ kỹ qua thời chiến tranh là cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý, Đà Nẵng đã có được 6 cây cầu đẹp bắc qua dòng sông Hàn, gợi lên hình ảnh của một đô thị lấp lánh phồn hoa đầy mê hoặc.
Thành phố bên sông Hàn rực rỡ ngày hôm nay
Bên cạnh đó, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc – Nam của Việt Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả miền Trung và Tây Nguyên, Đà Nẵng chú trọng nâng cấp và mở rộng các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường tuần tra biên giới, đường Đông Trường Sơn… Năm 2005 khánh thành hầm Hải Vân, mở đường đi Huế. Năm 2018 đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, rút ngắn thời gian lưu thông tới các tỉnh phía Nam. Năm 2020 hoàn thành dự án khơi thông sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng với phố cổ Hội An.
Trong giao thương quốc tế, tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây dài 1.400km được thông tuyến vào năm 2006 với điểm cuối tại cảng Tiên Sa đã kết nối Việt Nam với Lào, Thái Lan và Myanmar, biến Đà Nẵng trở thành cửa ngõ thương mại của toàn khu vực mở ra biển Đông. Trên đường biển, Đà Nẵng chỉ cách cảng Hải Phòng 310 hải lý, cảng Sài Gòn 520 hải lý, cảng Macao, Manila, Malaysia, Singapore… đều không quá 1000 hải lý, rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, với thời gian chỉ khoảng 2 ngày đêm. Về đường hàng không, sân bay quốc tế Đà Nẵng đến nay vẫn là cảng hàng không quan trọng nhất đối với cả miền Trung và Tây Nguyên. Năm 2017, sau 6 năm đón khách nội địa, Đà Nẵng tiếp tục khánh thành nhà ga hành khách quốc tế. Tính đến tháng 8/2019, sân bay Đà Nẵng đã mở 11 đường bay nội địa và 41 đường bay quốc tế.
Sự khởi sắc của bộ mặt đô thị
Những năm qua, quy hoạch đô thị Đà Nẵng vẫn luôn là mô hình lý tưởng được nhiều địa phương muốn học tập và làm theo. Sự thành công của công cuộc xây dựng đô thị Đà Nẵng vừa nhận được sự đồng thuận từ nhân dân, vừa góp phần to lớn làm thay đổi hình ảnh và vị thế của thành phố không chỉ trong nước mà còn đối với bạn bè quốc tế.
Trong khi nhiều thành phố khác xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông theo sau sự hình thành của đô thị, thì Đà Nẵng lại chọn đi con đường ngược lại. Xác định tầm quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế bền vững, Đà Nẵng dành phần lớn ngân sách để đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, làm nền tảng vững chắc để dọn đường cho sự phát triển của đô thị về sau.
Tiến trình hình thành và phát triển đô thị của Đà Nẵng khởi nguồn từ khu vực trung tâm – bờ Tây sông Hàn. Ngày nay, quận Hải Châu đã phát triển bứt phá, đóng vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả thành phố. Nhiều năm qua, khu vực đắt giá này vẫn là lựa chọn an cư và đầu tư hàng đầu của người dân trên khắp cả nước bởi tập trung đầy đủ các tiện ích từ hành chính, y tế, giáo dục, thương mại đến vui chơi giải trí. Nhiều công trình đô thị khang trang đã được xây dựng như Cung văn hóa thiếu nhi, công viên Asia Park, khu thương mại Indochina Riverside hay các khu căn hộ khách sạn hạng sang như Novotel, Hilton… góp phần mang lại một diện mạo văn minh, đa dạng, tương xứng với tầm vóc của vùng trung tâm thành phố.
Tại khu vực phía Đông, vùng đất bị ngăn cách và lãng quên một thời nay đã vươn mình trở thành một “đô thị du lịch” đầy sức sống. Do sở hữu vị trí đắc địa, một mặt tiếp giáp sông Hàn, một mặt xuôi theo đường bờ biển, sở hữu tuyệt tác bán đảo Sơn Trà, bãi biển Mỹ Khê, khu Đông bây giờ bừng sáng với hàng loạt khu đô thị, khách sạn và dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế như bến du thuyền Marina Complex, biểu tượng Cá Chép Hóa Rồng, khu nghỉ dưỡng 5 sao InterContinental, Fusion Suites Danang Beach, Furama Villas…
Bến du thuyền Marina Complex sau khi hoàn thiện sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng phía Đông
Về phía Tây Bắc thành phố, đây là khu vực được ưu tiên quy hoạch không gian theo Quyết định 465/QĐ-TTg của chính phủ, mở rộng đô thị trên cơ sở xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng để từng bước hình thành chùm đô thị Đà Nẵng. Đến năm 2019 nhìn lại, tuy dân cư vẫn còn thưa thớt nhưng Tây Bắc đã trở thành một miền đất hứa dành cho công nghiệp, bởi sự xuất hiện của các khu công nghiệp Liên Chiểu, Hòa Khánh, khu công nghệ cao Đà Nẵng… Đồng thời, với quỹ đất lớn, nguồn vốn đầu tư cũng đang dần dịch chuyển về Tây Bắc thông qua các dự án: Lakeside Palace, Dragon Smart City, Ecocharm, Golden Hill… từng bước xây dựng diện mạo của một “chùm đô thị” sinh động tại vùng ven Đà Nẵng trong tương lai.
Riêng vùng Đông Nam thành phố được xác định mở rộng vào năm 2020, cụ thể, mở rộng thêm xã Hòa Xuân, phát triển thành khu du lịch, dịch vụ, trung tâm đào đạo, làng sinh thái và tiểu thủ công nghiệp. Ngày nay, vùng Đông Nam đang trên đà khởi động mạnh mẽ, nhờ bệ đỡ từ chính sách và các khu đô thị lớn sẵn có như Cocobay, FPT City, Danang Pearl và kiệt tác kỳ quan One World Regency đang được xây dựng bên dòng sông Cổ Cò. Một làn sóng di dân và đầu tư bất động sản đã và đang dịch chuyển về đây ngay từ mùa cuối năm 2019.
Khu đô thị One World Regency sắp thành hình, sẽ thay áo mới cho diện mạo vùng Đông Nam thành phố
Nhờ địa thế tự nhiên và sự xác định đúng nền tảng từ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông mà đến nay, trải qua 20 năm, Đà Nẵng từ một thành phố nghèo đã vươn lên trở thành một đô thị trung tâm quốc gia, trung tâm kinh tế – xã hội của cả miền Trung, Tây Nguyên với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, công cuộc tái thiết và mở rộng đô thị của Đà Nẵng vẫn còn tồn đọng các điểm hạn chế. Nghị Quyết 43-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị nêu rõ: Đà Nẵng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình, tốc độ tăng trưởng những năm gần đây có xu hướng giảm sút, và sự liên kết, hợp tác với các địa phương cũng như cả nước cần đạt hiệu quả tốt hơn…
Có thể nói rằng, thành phố Đà Nẵng với năng lực phát triển mạnh mẽ được minh chứng qua hành trình 20 năm đã đưa đến sự kỳ vọng ngày một cao hơn. Đứng trước bài toán giải quyết các vấn đề ở thời điểm hiện tại và cơ hội phát triển kinh tế ở thập kỷ mới, Đà Nẵng đang ấp ủ điều gì để khai thác tối đa tiềm lực của thành phố? Đón đọc kỳ 2: Đà Nẵng – 10 năm viết tiếp giấc mơ “Đô thị quốc tế”.