Nguồn cung của thị trường tiếp tục gặp khó
Vừa qua, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và Tập đoàn Meeyland tổ chức hội nghị “Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết do tác động của dịch Covid-19, nhiều thời điểm các hoạt động đầu tư, xây dựng dự án phải tạm dừng; quy trình, thủ tục dự án nhà ở, khu đô thị được kiểm soát chặt chẽ hơn. Đặc biệt là các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị gần trung tâm, có sẵn cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dễ làm, dễ kinh doanh hầu như đã hết. Việc phát triển các dự án mới nay phải ra ngoài vùng ven, xa trung tâm, thậm chí là ở các tỉnh lân cận, yêu cầu phải có kết nối hạ tầng, xây dựng mới nhiều tiện ích. Vì vậy, nguồn cung bất động sản nhà ở tại khu vực đô thị trong 2 năm trở lại đây rất hạn chế.
Ngoài ra, do tình hình kinh tế thế giới có sự điều chỉnh, Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, việc quản lý chặt chẽ dòng tiền vào bất động sản, lãi suất huy động tăng. Mặt khác, các khó khăn về pháp lý chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến nguồn cung mới cho thị trường bất động sản năm 2023 ở hầu hết các phân khúc bất động sản, nhất là bất động sản nhà ở sẽ không tăng so với năm 2022. Tình hình giao dịch tiếp tục gặp khó khăn.
Tuy nhiên, ông Hà phân tích, về trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có xu hướng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay khoảng xấp xỉ 40%, với tốc độ đô thị hóa tăng khoảng 1%/ năm thì mỗi năm dân số đô thị tăng thêm khoảng 1 triệu người, nếu tính riêng nhà ở cho số người tăng thêm này thì hằng năm chúng ta phải xây dựng từ 20 – 25 triệu m2 nhà ở.
Cùng với đó là xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia của thế giới, Việt Nam đang là điểm thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường bất động sản công nghiệp cũng đang là điểm sáng của thị trường bất động sản. Các khu công nghiệp được phát triển có tỷ lệ lấp đầy tăng và kéo theo nhu cầu về nhà ở công nhân làm việc tại các khu công nghiệp cũng tăng theo. Đây là phân khúc bất động sản chủ lực trong thời gian tới. Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất là ở những địa bàn mới.
Trước yêu cầu bắt kịp với xu thế của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ông Hà cho rằng nhu cầu về chuyển đổi số trong ngành bất động sản là rất lớn. Đặc biệt, thị trường bất động sản còn có quan hệ trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản không chỉ là tác nhân quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà còn có tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì vậy, tài chính bất động sản là lĩnh vực cần nhiều sản phẩm công nghệ ứng dụng trong thời gian tới.
Do vậy, theo ông Hà, công nghệ số và chuyển đổi số không còn là nhu cầu, sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường bất động sản chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững.
Vẫn có những phân khúc tiềm năng
TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thêm, 2 năm qua khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 cùng với các hoạt động điều chỉnh chính sách đã có những tác động nhất định tới thị trường bất động sản.
Phân khúc nhà ở giá rẻ có nhu cầu lớn nhưng nguồn cung thiếu và yếu nên giá cả tăng mạnh, so với năm 2021 thì thời điểm hiện tại giá nhà đã tăng khoảng 30%, so với năm 2019 đã tăng 50%. Đặc biệt với phân khúc căn hộ ở tầm 25 triệu đồng/m2 nay đã không còn tìm thấy trên thị trường. Giá nhà tăng lên và không phù hợp với thị trường nên khả năng hấp thụ của thị trường thấp. Nhiều dự án giảm giá sản phẩm từ 15 – 35% để tăng hấp thụ.
Theo ông Đính, từ nay đến cuối năm, một số phân khúc có điểm sáng, dư địa, tiềm năng vẫn còn lớn, đó là bất động sản nghỉ dưỡng; bất động sản công nghiệp; nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhu cầu đầu tư và nhu cầu thực tại các phân khúc này cũng tương đối lớn. Ví dụ như phân khúc bất động sản công nghiệp đang có tỷ lệ lấp đầy tới 89%, kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng của giới chuyên gia, đội ngũ công nhân cũng rất cao. Do đó, các địa phương sẽ cần đẩy mạnh phát triển các phân khúc, sản phẩm dịch vụ ăn theo.
“Mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng thị trường bất động sản hiện đang đối mặt với nhiều điểm nghẽn khó khăn. Đơn cử như các quy định của pháp luật, các thủ tục pháp lý đang khiến nhiều dự án nằm chờ chưa thể triển khai. Thời gian vừa qua, Chính phủ đang cố gắng tháo gỡ các rào cản khó khăn, tôi tin rằng thi trường sẽ dần có cân bằng tốt hơn trong năm 2023” – ông Đính chia sẻ./.
Nguồn: Thời báo tài chính