Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nhà đầu tư tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng ngày 15-10-2017.
Tại diễn đàn này, các nhà đầu tư cam kết đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng vào Đà Nẵng
Nhìn thẳng vào hạn chế
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế – xã hội của Đà Nẵng năm 2017 đạt kết quả khả quan, với tổng sản phẩm xã hội ước đạt hơn 58 ngàn tỷ đồng (tăng 9%), thu ngân sách đạt 23,4 ngàn tỷ đồng (tăng 12%), thu hút đầu tư tăng 6,5 lần, du lịch đạt hơn 6,6 triệu lượt khách (tăng 19%)…
Đặc biệt, năm 2017, Tuần lễ Cấp cao APEC được tổ chức thành công tại Đà Nẵng, đã mở ra cơ hội lớn cho TP về quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch. Chủ trương “Thành phố 4 an” được thực hiện quyết liệt nhờ đó trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tội phạm được kiềm chế và kéo giảm.
Tuy vậy, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng chỉ ra nhiều vấn đề hạn chế, tồn tại với TP. Cụ thể, trong năm qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra, chỉ ra các khuyết điểm, sai sót của Ban Thường vụ Thành ủy và cá nhân khác có liên quan, đến mức phải thi hành kỷ luật. Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu chưa đạt kế hoạch đề ra như tăng trưởng giá trị các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng; du lịch tăng trưởng tốt nhưng thu ngân sách từ du lịch chưa tương xứng, cần có đánh giá đầy đủ, đúng mức.
Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế như xây dựng không phép, sai phép còn diễn ra. Công tác đền bù, giải tỏa một số dự án chậm tiến độ; một số điểm nóng môi trường chưa được xử lý dứt điểm, tình trạng nâng giá dịch vụ, cước taxi và ngộ độc thực phẩm gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch đầu tư các dự án trên khu vực bán đảo Sơn Trà có mặt còn hạn chế, gây dư luận trái chiều…
Từ thực tế những hạn chế đã chỉ ra, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải khẩn trương đưa ra các giải pháp thiết thực để khắc phục.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Nghiên cứu lập khu kinh tế biển vịnh Đà Nẵng
Đà Nẵng đã chọn chủ đề năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhằm phát huy thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ông Trần Văn Sơn – Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, trong thu hút đầu tư cần chú trọng các nhà đầu tư trong nước. Bởi lẽ, hiện thu hút đầu tư trong nước vào Đà Nẵng rất cao, hơn 300 dự án, với tổng vốn hơn 97 ngàn tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD), trong khi thu hút FDI 546 dự án, tổng vốn 3,1 tỷ USD. Năm 2017, Đà Nẵng cấp phép đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 25 ngàn tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), hầu hết vào các dự án phát triển dịch vụ ven biển.
Ông Sơn cho rằng, rào cản lớn nhất trong thu hút đầu tư ngoài khu công nghiệp ở Đà Nẵng hiện nay là khả năng tiếp cận đất đai. Đầu tư vào khu công nghiệp thì thủ tục đơn giản, nhưng các khu công nghiệp ở Đà Nẵng đã lấp đầy hết cả. Nhà đầu tư có nhu cầu rất lớn đầu tư các dự án ven biển, nhưng phía đông nam đã hết đất, vì thế ông Sơn đề nghị TP nghiên cứu giải pháp lập khu kinh tế biển vịnh Đà Nẵng, kết nối logictics với cảng Liên Chiểu.
Ông Sơn nói, khi nghiên cứu đầu tư, dù giá đất ở vịnh Đà Nẵng có thể tới 10 triệu đồng/m2, nhưng vẫn thu hút nhà đầu tư, vì giá trị có thể lên 20, 30 triệu đồng/m2. Ở phía tây TP thì nên phát triển công nghiệp, bởi nếu tập trung cho dịch vụ, chi phí đầu tư lớn, rất khó thu hút. Cũng theo ông Sơn, sau APEC, du lịch hội nghị của Đà Nẵng rất phát triển, vì thế TP cần mở đường bay Châu Âu, Hoa Kỳ để biến TP là trung tâm du lịch hội nghị.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Ngô Quang Vinh cho biết, du lịch Đà Nẵng đang phát triển khá nóng, đứng trong top 5 cả nước, riêng hạ tầng vật chất du lịch đứng thứ 3 cả nước. Những năm trước, trung bình Đà Nẵng có thêm 2.000 phòng lưu trú/năm, nhưng năm 2017 có 7.000 phòng. Tuy nhiên, lượng du khách đến đông, nên Đà Nẵng không đáp ứng được về hạ tầng, nhân lực, nhất là vào mùa cao điểm, lượng hướng dẫn viên ở Đà Nẵng không đủ phải huy động từ Quảng Ninh, Hà Nội vào. Chưa kể, phát triển nóng về du lịch sẽ gây kẹt cứng về giao thông, hạ tầng, xử lý nước thải…
Ông Vinh cho rằng, phải tính toán phát triển du lịch vừa phải, bền vững. Ngoài ra, nói du lịch Đà Nẵng được mùa song khả năng cạnh tranh của các DN lữ hành trong nước yếu, phần lớn do các hãng lữ hành nước ngoài đưa khách tới. Về giải pháp, ông Vinh nói TP cần khẩn trương mở phố đi bộ và chợ đêm, đây là chỗ tiêu tiền của khách, các địa phương khác họ làm hết rồi nhưng Đà Nẵng thì vẫn vướng.
Ông Phan Văn Kha – Giám đốc Sở Công Thương nói, ngành công nghiệp TP chỉ chiếm 21% trong cơ cấu kinh tế song đóng góp vào ngân sách tới 40%. Để tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách, tạo đà tăng trưởng kinh tế bền vững cho TP thì TP phải mở thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giải quyết nhu cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra phải tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa cho khu Công nghệ cao thì mới có thể thu hút các nhà đầu tư.
Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, để thực hiện tốt chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” thì UBND TP cần chỉ đạo chủ động liên hệ, kết nối chặt chẽ với các tập đoàn, doanh nghiệp đã tham dự các hoạt động tại APEC cũng như Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch. Song song với đó, cần triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng, trong đó lưu ý việc đề xuất cơ chế, chính sách; cải cách hành chính thông thoáng, minh bạch; đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng mang tính động lực; đổi mới cơ chế thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năm 2017 Đà Nẵng cấp phép cho nhà đầu tư trong nước tổng vốn hơn 25 ngàn tỷ đồng, chủ yếu các dự án ven biển
Những việc cần làm ngay
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ ra hàng loạt việc TP phải làm ngay trong năm bản lề 2018. Đó là, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng phục vụ APEC 2017 để đăng cai các sự kiện mang tầm khu vực, thế giới, nhằm biến Đà Nẵng thành một Thành phố sự kiện. Trước mắt, phấn đấu đăng cai Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á. Phát triển ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chống thất thu thuế các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, cơ sở ăn uống… Khuyến khích đầu tư các trung tâm thương mại, trong đó nghiên cứu phương án đầu tư chợ Hàn, chợ Cồn kết hợp chỉnh trang đô thị theo hướng xã hội hóa. Kêu gọi đầu tư, khai thác hiệu quả các khu công nghiệp, công nghệ thông tin tập trung, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong quy hoạch TP, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo phải lưu ý phát triển khu vực phía tây và tây bắc, Khu kinh tế biển, Đô thị cảng… đồng thời rút kinh nghiệm, hạn chế quy hoạch phân lô, nghiên cứu ghép các lô đất thành các khu đất lớn để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội TP. Riêng các dự án trên bán đảo Sơn Trà, phải thực hiện nghiêm túc ý kiến của Thủ tướng, phát triển theo hướng bảo tồn gắn với phát triển bền vững và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Hiện tại, áp lực giao thông đô thị đang đặt ra thách thức lớn với TP, vì thế đồng chí Trương Quang Nghĩa chỉ đạo cần nâng cao hiệu quả các tuyến xe buýt trợ giá, nghiên cứu kỹ các phương án cải tạo nút giao thông tại 2 nút giao cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng, đầu tư bãi xe tạm, nhà đỗ xe lắp ghép tại khu vực có nhu cầu đậu đỗ lớn, trung tâm thành phố.
Trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo tăng cường kiểm soát khai thác rừng và tình trạng tận thu cát trắng trên địa bàn Liên Chiểu, Hòa Vang. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản, ảnh hưởng môi trường và cảnh quan khu vực. Theo dõi, kiểm soát việc sử dụng các khu đất do Quốc phòng quản lý. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng chỉ đạo tiếp tục thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, thành phố 5 không, 3 có. Trong đó, chú trọng đưa vào hoạt động Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, tăng cường kiểm soát, trấn áp tội phạm nhất là dịp Tết.