Chiều 8/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Phú Yên và một số đề xuất kiến nghị của tỉnh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát thực tế tại khu vực quy hoạch cảng nước sâu Bãi Gốc thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, khảo sát dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên và gặp gỡ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; khảo sát tuyến đường ven biển Phú Yên; dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại khu di tích Bến tàu Không số Vũng Rô; thăm, tặng quà một số gia đình chính sách.
Mục lục
1 mũi nhọn; 2 hành lang; 3 trụ cột; 4 nền tảng; 5 nhiệm vụ trọng tâm
Báo cáo của Tỉnh ủy Phú Yên tại buổi làm việc cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung, được sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Phú Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác.
Nhờ đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Phú Yên có 13/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,46%, tổng kim ngạch xuất khẩu 236 triệu USD, vượt 14% kế hoạch, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.365 tỷ đồng, đạt 107% dự toán Trung ương giao.
Hoạt động du lịch được phục hồi, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt khoảng 2,2 triệu lượt, gấp 5,3 lần, doanh thu dịch vụ du lịch tăng gấp 6,9 lần so với cùng kỳ. Hoạt động doanh nghiệp từng bước phục hồi, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 47%.
Các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh được cải thiện tích cực. Năm 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 7 bậc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 14 bậc.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm; nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được quan tâm.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Tỉnh Phú Yên đang phấn đấu với mục tiêu đến năm 2050 “Phú Yên trở thành nơi đáng sống cho người dân, đáng ghé thăm cho du khách với nền kinh tế phát triển, con người thân thiện và môi trường sống xanh, sạch, hiện đại”. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 khoảng 9-10%/năm.
Tỉnh xác định phương châm phát triển dựa trên 1 mũi nhọn; 2 hành lang; 3 trụ cột; 4 nền tảng; 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, 1 mũi nhọn là phát triển du lịch. Hai hành lang phát triển gồm hành lang ven biển Bắc–Nam và hành lang Đông-Tây nhằm kết nối khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ba trụ cột tăng trưởng gồm: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, kết nối sâu vào chuỗi giá trị; phát triển công nghiệp theo hướng tăng cường vào chuỗi giá trị và thu hút đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, ưu tiên phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên theo hướng đô thị dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và logistics; phát triển du lịch theo hướng độc đáo, chuyên nghiệp và bền vững.
Bốn nền tảng phát triển gồm: (1) Nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và số lượng. (2) Xây dựng văn hóa và con người tỉnh Phú Yên. (3) Đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối hiện đại. (4) Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
Năm nhiệm vụ trọng tâm gồm: (1) Huy động nguồn lực. (2) Liên kết phát triển. (3) Phát triển nguồn nhân lực. (4) Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. (5) Cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Phú Yên đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ vướng mắc và thực hiện một số dự án phát triển hạ tầng trên địa bàn như: Nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai; dự án Cầu An Hải; hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên; điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cấp, mở rộng sân bay Tuy Hòa; đầu tư mới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên; mở rộng các đoạn còn lại của tuyến Quốc lộ 25, Quốc lộ 29 đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên…
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Phú Yên trong thời gian qua; làm rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; góp ý, đề xuất các định hướng để Phú Yên phát triển nhanh, bền vững; đồng thời phát biểu giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh…
Các đại biểu cho rằng, với vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa, Phú Yên có tiềm năng lớn phát triển, nhất là du lịch, dịch vụ cảng biển… do đó, tỉnh cần thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư và các nguồn lực cho phát triển.
Khát vọng bình yên và phú quý
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Phú Yên, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng cho rằng, Phú Yên là nơi “đất Phú trời Yên”, tên gọi Phú Yên thể hiện khát vọng “yên bình và phú quý”, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của nước ta, “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”.
Con người Phú Yên vừa thẳng thắn, quyết liệt, vừa bao dung, cần cù, chịu khó, khiêm tốn, cầu thị, giàu truyền thống anh hùng, cách mạng, yêu nước, yêu quê hương, năng động, sáng tạo, luôn nỗ lực vươn lên, trưởng thành qua lịch sử chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Có nền văn hóa đa dạng, phong phú với nét đặc sắc, độc đáo của 32 dân tộc thiểu số.
Tỉnh có vị trí địa lý quan trọng, với các tuyến giao thông khá đồng bộ từ đường sắt, đường bộ, hàng không, đường sông, đường biển; nằm trong vùng ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi đưa Phú Yên trở thành đầu mối giao lưu kinh tế Bắc-Nam và Đông-Tây.
Cũng theo Thủ tướng, tỉnh Phú Yên có lợi thế phát triển kinh tế biển, có cảng Vũng Rô là cảng nước sâu hơn 20 m, kín gió cho tàu có trọng tải lớn hơn 10.000 DVT ra vào dễ dàng; có kho xăng dầu với sức chứa 15.000 m3, tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 DVT ra vào và làm hàng, cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Phú Yên có tiềm năng phát triển du lịch với bờ biển dài 189 km, nhiều bãi tắm đẹp và nhiều di tích, lịch sử, văn hóa, trong đó có 18 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 21 di tích xếp hạng cấp tỉnh, đặc biệt là di tích Vũng Rô, Tháp Nhạn, Chùa Tổ, Nhà thờ Mằng Lăng…
Cùng với đó, tỉnh có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, với trên 50 con sông lớn, nhỏ, điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, nông nghiệp và đời sống; một số loại khoáng sản quý, trữ lượng lớn như đá hoa cương, vàng sa khoáng, cát vàng…; hệ sinh thái rừng đặc sắc, là điều kiện rất thuận lợi để phát triển đa dạng dịch vụ du lịch sinh thái rừng.
Thủ tướng cho rằng, mặc dù có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, Phú Yên vẫn chưa phát triển đột phá, chưa được như mong muốn. Tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền vẫn là khâu yếu. Quy mô kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng còn chậm so với bình quân của cả nước. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng và với cả nước chưa đồng bộ, việc liên kết vùng cần làm tốt hơn. Công tác quy hoạch cần được đẩy mạnh để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm. Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực; thứ hạng về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính vẫn thuộc nhóm dưới; đời sống người dân còn khó khăn, nhất là người lao động; tỉ lệ giảm nghèo đa chiều chỉ đạt 0,87%. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Thủ tướng đánh giá cao phương châm phát triển “1 mũi nhọn, 2 hành lang, 3 trụ cột, 4 nền tảng, 5 nhiệm vụ trọng tâm” mà tỉnh đề ra; đồng thời đề nghị Phú Yên tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh bằng những hành động thiết thực, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về quan điểm, định hướng, Thủ tướng nhấn mạnh, Phú Yên cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, “vượt qua chính mình”, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại; giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn; bám sát thực tiễn; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.
Phú Yên phải tiếp tục coi trọng, tập trung, đẩy mạnh công tác quy hoạch; quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, chiến lược, còn việc thực hiện, đầu tư có thể phân kỳ; quy hoạch phải chỉ ra và phát huy tiềm năng, thế mạnh, khắc phục hạn chế, bất cập; nghiên cứu nguồn lực để thực hiện quy hoạch theo phương châm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Phú Yên là địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch, cảnh quan thiên nhiên, phải hết sức chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trong quá trình phát triển, tỉnh cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cán bộ thực thi, phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Bên cạnh phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Phú Yên phải chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
Huy động mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Phú Yên tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với mọi tình huống, nhất là trong dịp Tết.
Đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa; tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực kinh tế, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ; tăng cường liên kết vùng để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh; chú trọng xây dựng thương hiệu Phú Yên, nhất là thương hiệu du lịch Phú Yên.
Thủ tướng gợi ý, các thế hệ trước đây là tìm ra, lựa chọn Vũng Rô là điểm kết nối với tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển trong chiến tranh và đã thành công; ngày nay, tỉnh cần nghiên cứu, phát huy mạnh mẽ vai trò của địa điểm này trong kết nối vùng, kết nối với cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Phú Yên đổi mới tư duy, cách làm, hướng tới sự bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung hoàn thành hạ tầng cho phát triển công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp, khu kinh tế Nam Phú Yên…, thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành có lợi thế.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao; nâng cao hiệu quả nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia.
“Phú Yên có giải pháp huy động mọi nguồn lực cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư, xây dựng hạ tầng chiến lược, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa lớn, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là xây dựng bằng được cảng nước sâu. Phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, làm động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là dự án cao tốc Bắc-Nam”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tỉnh Phú Yên cần tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo đón Tết Nguyên đán Quý Mão, đặc biệt chú trọng xây dựng nhà ở cho công nhân, người nghèo theo các hình thức mua, thuê, thuê mua.
Phú Yên cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an ninh trật tự biên giới biển, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh truyền thông chính sách là nhiệm vụ hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận, người dân hiểu rõ, đồng tình, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với định hướng, chiến lược phát triển đúng đắn, cùng với sự tâm huyết, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, thời gian tới, Phú Yên sẽ mạnh mẽ vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đạt được mục tiêu đã đề ra đến năm 2050 “Phú Yên trở thành nơi đáng sống cho người dân, đáng ghé thăm cho du khách với nền kinh tế phát triển, con người thân thiện và môi trường sống xanh, sạch, hiện đại”.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình theo tinh thần “cái gì có lợi cho dân, cho nước thì làm”, yêu cầu Phú Yên thực hiện theo các quy định đã có và hướng dẫn của các bộ, ngành; với những vấn đề chưa có quy định hoặc có vướng mắc, Thủ tướng giao các bộ, ngành tổng hợp, xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở xem xét thứ tự ưu tiên đầu tư phù hợp, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm.
Theo báo xây dựng