Năm 2019, bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng tiếp tục hưởng lợi từ lượng khách du lịch đến thành phố liên tục tăng cao: ước đạt 7.173.539 lượt trong 10 tháng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2018, theo số liệu của Tổng Cục du lịch. Tính đến tháng 8/2019, tổng nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng của toàn thành phố đến từ 17 dự án; trong đó, quận phía Nam – Ngũ Hành Sơn – dẫn đầu thị phần với 92% từ 14 dự án.
Bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đã lướt nhanh qua khoảng lặng của thị trường năm 2018 và tiếp cận với những tín hiệu tích cực từ phía Nam. Cụ thể, trong bối cảnh quỹ đất nội đô dần thu hẹp, UBND thành phố định hướng mở cửa thị trường về phía Nam với dự án khơi thông sông Cổ Cò – “con đường tơ lụa” giữa Đà Nẵng và Hội An, đồng thời xây dựng đường và cầu mới bắc qua sông. Dòng sông huyết mạch hồi sinh sẽ kích thích nhu cầu du lịch bằng đường sông đến các địa điểm hấp dẫn nhất miền Trung. Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dịch vụ vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái ven sông sẽ sớm hình thành dọc tuyến sông, trở thành xu hướng du lịch mới của năm 2020.
Một đô thị phồn vinh sắp được hình thành dọc theo sông Cổ Cò
Những diễn biến tích cực ở thị trường phía Nam đã củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư về khả năng sinh lời đối với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng. Theo đó, một làn sóng dịch chuyển của bất động sản nghỉ dưỡng về khu vực này đã khởi động ngay từ mùa cuối năm 2019.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý I/2019, Đà Nẵng chỉ có khoảng 119 sản phẩm bất động sản ra mắt thị trường. Trong đó, biệt thự nghỉ dưỡng chỉ dừng lại ở con số 45 căn. Đặc biệt, dự án đáp ứng nguồn cung số lượng lớn từ 150 đến 200 căn villas, cung cấp đầy đủ nhu cầu sống, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí với mức giá từ 10 tỷ đồng, dường như không có. Nguồn cầu ổn định nhưng nguồn cung lại vô cùng khan hiếm dẫn đến tỷ lệ hấp thu lũy kế hiện tại rất cao. Tại sao vậy?
Sự nghi ngại về tính pháp lý
Cho đến nay, hệ thống luật liên quan đến loại hình bất động sản thương mại vẫn chưa hoàn thiện, báo cáo của CBRE mô tả một bức tranh kém tươi màu của thị trường bất động sản Đà Nẵng trong quý I/2019.
Về mặt pháp lý, Luật đất đai chỉ quy định chung về chế độ, thời hạn sử dụng đất đối với công trình thương mại, dịch vụ, mà chưa có quy định cụ thể đối với biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn và căn hộ văn phòng. Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng này thuộc đối tượng sử dụng đất có thời hạn vì không phải là sản phẩm nhà ở.
Trước thực tế về các vướng mắc liên quan đến chế độ sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận sở hữu, số phận của loại hình bất động sản này vẫn còn rất bấp bênh. Nhà đầu tư trở nên nghi ngại về tính ổn định của biệt thự nghỉ dưỡng; còn các chủ đầu tư thì phải cân nhắc trước khi xuống tiền đầu tư vào những dự án bạc tỷ. Tình trạng giao dịch cầm chừng tại thị trường phía Nam Đà Nẵng có thể sẽ tiếp diễn cho tới khi các chính sách pháp lý được điều chỉnh rõ ràng hơn.
Sự kiểm soát về mật độ xây dựng
Khu biệt thự nghỉ dưỡng là dòng sản phẩm quan trọng của ngành du lịch, mang đến hiệu quả kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, để kiểm soát các làn sóng đầu tư vào khu du lịch một cách ồ ạt có thể đưa đến hệ quả tiêu cực cho môi trường, Bộ Xây dựng quy định mật độ xây dựng tối đa cho loại hình này chỉ từ 5 đến 25%. Hệ số sử dụng đất phụ thuộc vào quy định kiến trúc cảnh quan cho phép đối với công trình xây dựng trong nội khu, với mục đích bảo vệ cảnh quan, tạo lập môi trường sinh thái thuận lợi cho người sử dụng.
Các quy định về mật độ xây dựng chi phối các tính toán về diện ích, quy mô và thiết kế của các khu biệt thự nghỉ dưỡng. Khi số lượng dự án ra mắt quá ít ỏi thì việc tìm kiếm các căn biệt thự nghỉ dưỡng, đặc biệt ở phân khúc cao cấp có giá từ 10 tỷ đồng, càng trở nên khó khăn hơn.
Mật độ xây dựng công trình không vượt quá 25% để đảm bảo môi trường sinh thái cho cư dân
Sự phụ thuộc vào vị trí địa lý
Do đặc thù của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, không gian cây xanh, và cảnh quan thiên nhiên phải chiếm khoảng 40-60% tổng diện tích dự án. Theo đó, các dự án biệt thự nghỉ dưỡng phải liền kề núi, sông hoặc biển là lý tưởng nhất. Hơn nữa, các dự án này cần hội đủ các điều kiện từ tài nguyên, khí hậu, địa hình, cảnh quan đến văn hóa, lịch sử… để tạo ra một môi trường du lịch nghỉ dưỡng thực thụ, đáp ứng các nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, tìm hiểu không gian văn hóa địa phương của du khách. Trong khi quỹ đất ven biển không còn nhiều, diện tích dành cho bất động sản nghỉ dưỡng cũng dần trở nên thu hẹp.
Suất đầu tư cao – Sân chơi không dành cho số đông
Theo báo cáo của tổ chức tư vấn bất động sản danh tiếng – Knight Frank, trong năm 2018, Việt Nam có đến 12.327 triệu phú USD, tăng 23% so với cách đây 5 năm, tốc độ tăng trưởng đứng thứ 4 thế giới. Bên cạnh đó, số lượng người siêu giàu – sở hữu giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên – cũng được thống kê với con số 142 người, được dự đoán sẽ tăng lên 186 người vào năm 2023, tăng nhanh thứ 5 trên thế giới.
Như vậy, xu hướng cuộc sống thịnh vượng tại Việt Nam đang phát triển một cách nhanh chóng. Giới siêu giàu hẳn phải tính đến bài toán kinh tế ở tầm nhìn xa, xét từ năng lực tài chính cả ngắn hạn và dài hạn thay vì đầu tư dàn trải, chớp nhoáng.
Nếu như cách đây 5 năm, xu hướng đầu tư vào dòng sản phẩm condotel đang nóng sốt hầm hập, nhiều người ồ ạt mua condotel với giá dao động trong khoảng 2 tỷ đồng/căn; thì đến nay, các chủ sở hữu chỉ có thể thu lại với giá khoảng 2,5 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, cũng vào thời điểm 2014, 2015, nhà đầu tư đổ vốn vào biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp (4-5 phòng, có sân vườn, hồ bơi) với khoảng 16 tỷ đồng thì đến nay, giá trị của căn biệt thự này có thể khởi động từ 20 tỷ đồng, chưa tính giá trị tích lũy cho thuê qua các năm.
Rõ ràng, giá trị về đất và loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đang tăng trưởng vượt trội theo thời gian. Khi đẳng cấp chủ sở hữu ngày càng được chú trọng, xu hướng đầu tư tập trung ngày càng phổ biến, thì các nhà đầu tư cũng phải chấp nhận một sự thật rằng việc tìm được một căn biệt thự nghỉ dưỡng “hàng hiệu” có giá cả phù hợp, vị trí tốt, tiện nghi cao cấp và tiềm năng sinh lời bền vững không còn dễ dàng như thời điểm cách đây 5,10 năm nữa.
Biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp luôn là mục tiêu săn lùng của giới siêu giàu
Thực tế cho thấy sự dè chừng của nhà đầu tư đối với biệt thự nghỉ dưỡng phân khúc cao cấp là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng tại thị trường phía Nam Đà Nẵng trước tiềm năng sinh lời lớn là không thể bàn cãi. Giữa bối cảnh khan hiếm nguồn cung và có sự điều chỉnh theo quy luật thị trường, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đi tắt đón đầu tại các dự án cuối năm 2019, và kỳ vọng vào một phân khúc đầy cạnh tranh sẽ được thiết lập trong 2020 với các dự án đột phá cả về thiết kế lẫn chính sách đầu tư.