Theo kế hoạch, dự kiến tháng 12/2020 Đà Nẵng sẽ khởi công dự án nạo vét sông Cổ Cò và sẽ hoàn thành công trình trong năm 2021.
Đó là thông tin được ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết tại buổi họp báo 9 tháng đầu năm 2020 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào chiều 7/10.
Theo ông Võ Tiến Dũng, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng được giao nhiệm vụ là chủ đầu tư, điều hành, quản lý dự án nạo vét sông Cổ Cò đoạn qua Đà Nẵng (khoảng 9km).
Đến nay, dự án chuẩn bị khởi công, với tổng kinh phí hơn 486 tỷ đồng, trong đó vốn của Trung ương là 146 tỷ đồng, số còn lại là ngân sách thành phố.
“Theo kế hoạch, dự kiến tháng 12/2020 Đà Nẵng sẽ khởi công dự án nạo vét sông Cổ Cò và sẽ hoàn thành công trình trong năm 2021”, ông Dũng cho biết.
Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đang được hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam tích cực triển khai.
Nói về dự án này, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm, giữa Đà Nẵng và Quảng Nam đang tích cực triển khai dự án này. Về phía Đà Nẵng, đến thời điểm này cơ bản các hồ sơ cũng đã xong.
“Vừa rồi đáng ra tiến độ nhanh hơn, nhưng do dịch Covid-19 nên một số công việc chậm lại. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành nạo vét sông Cổ Cò trong năm 2021”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nói.
Được biết, dự án khơi thông sông Cổ Cò nối cửa Hàn tới cửa Đại (Hội An) dài 28km nhằm hình thành tuyến giao thương, du lịch đường thủy để phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài 9km đoạn qua Đà Nẵng nói trên thì khoảng 14km từ Cửa Đại đến phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) do tỉnh Quảng Nam triển khai đang được nạo vét với tổng kinh phí 850 tỷ đồng (trong đó 341 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương).
Việc triển khai dự án nạo vét sông Cổ Cò góp phần bảo đảm cảnh quan khu vực, thúc đẩy phát triển tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng – Hội An và đồng bộ với dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp, chống xâm thực nhập mặn sông Cổ Cò đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam, phát triển liên kết giữa hai địa phương thuộc khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.