Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đề xuất một số giải pháp nhằm tạo động lực mới để Đà Nẵng cất cánh.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1287 QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đề xuất một số giải pháp nhằm tạo động lực mới để Đà Nẵng cất cánh.
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng (quyết định 1287 QĐ/TTg phê duyệt ngày 2 tháng 11 năm 2023) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định cụ thể gồm: (i) quan điểm, mục tiêu phát triển; (ii) phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế- xã hội; (iii) phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; (iv) phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật kèm theo 10 phụ lục với hàng trăm các dự án đầu tư; (v) phương án phát triển hạ tầng xã hội kèm theo 4 phụ lục các dự án đầu tư; (vi) quy hoạch phát triển vùng huyện…
Thực hiện quy hoạch là một khối lượng công việc khổng lồ, toàn diện trên tất cả các mặt. Tuy vậy, thời gian còn lại chỉ 7 năm với nguồn lực và năng lực có hạn, cần phải có sự lựa chọn ưu tiên với những thể chế đặc thù khác biệt. Như vậy mới có hy vọng tạo ra bước ngoặt cho phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ quy hoạch.
Về huy động vốn đầu tư, dự kiến số vốn cần huy động để thực hiện quy hoạch là 800.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 32 tỷ đô la Mỹ, bằng khoảng 40% GRDP Đà Nẵng. Trong đó, vốn đầu tư nhà nước khoảng 25%, ngoài nhà nước 60-65% và FDI từ 10-15%. Đây là số vốn rất lớn so với năng lực hiện có (vốn đầu tư xã hội năm chỉ bằng hơn 23% GRDP), khoảng 32000 tỷ, bằng 40% số cần huy động.
Do đó, cơ chế, chính sách huy động vốn, phân bổ và sử dụng vốn hiệu quả nhất là yếu tố quyết định thành công tiếp theo của Đà Nẵng.
Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã đồng ý chủ trương cần có thêm cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng. Từ đó, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, nhất là trong phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính – ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương. Nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Theo tinh thần quyết liệt thực hiện tốt nhất mục tiêu đã định và chủ trương mà Bộ Chính trị đã quyết định đối với Đà Nẵng, sau đây là một số đề xuất về giải pháp nhằm tăng thêm động lực, nguồn lực góp phần đưa Đà Nẵng quay lại quỹ đạo tăng trưởng thần kỳ như kỳ vọng.
Mở rộng không gian phát triển thành phố Đà Nẵng
Đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng lên ít nhất 25 triệu hành khách/năm để Đà Nẵng thành địa điểm đến và trung chuyển, phân phối khách du lịch cho cả khu vực Trung trung bộ và Tây nguyên, và trung tâm logistics hàng không của cả vùng (hoàn thành trước năm 2028).
Đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu và chuyển tương ứng công năng cảng Tiên Sa.
Đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến quốc lộ 14B và 14G để kết nối Đà Nẵng với Bắc Tây nguyên, Lào và Myanmar (hoàn thành trước năm 2028).
Thành lập hội đồng hợp tác phát triển Trung trung bộ và Tây nguyên với chức năng chủ yếu là xác định và phối hợp điều phối thực hiên các dự án ưu tiên đầu tư phát triển của vùng. Hội đồng có bộ máy giúp việc chuyên trách và đủ mạnh về chuyên môn và kinh nghiệm nghiên cứu, tham mưu về các vấn đề phát triển.
Huy động vốn đầu tư
Tăng thêm vốn đầu tư nhà nước, nhất là vốn đầu tư do Trung ương quản lý cho thành phố Đà Nẵng bằng cách tạm thời không điều tiết thu ngân sách Đà Nẵng về ngân sách Trung ương (cho đến năm 2030). Cách này nhằm đảm bảo vốn đầu tư nhà nước đạt 25% tổng vốn đầu tư xã hội của Đà Nẵng như quy hoạch phát triển thành phố đã xác định. Đồng thời, bố trí đủ vốn thực hiện dự án quốc lộ 14B và 14G cho toàn tuyến kết nối Đà Nẵng với Bắc Tây nguyên.
Cho phép Đà Nẵng thực hiện thu hút đầu tư dưới hình thức PPP không hạn chế về lĩnh vực, ngành nghề và quy mô. Đặc biệt, khuyến khích trong đầu tư phát triển hệ sinh thái du lịch và đô thị hoá như đã nói trên.
Có các biện pháp khuyến khích và ưu đãi khác biệt, vượt trội đủ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) cùng với điều kiện sống và làm việc thuận lợi tương đương khu vực để hội tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người lao động trình độ cao trong các ngành công nghiệp công nghệ cao của thành phố.
Kinh tế thành phố vẫn tiếp tục phát triển trên 3 trụ cột chính. Đó là: (i) Đô thị hoá theo hướng hiện đại, xanh và thông minh; (ii) Du lịch với đầy đủ hệ sinh thái có các loại dịch vụ đa dạng, chất lượng cao… (iii) Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với công nghiệp chế tạo công nghệ cao, nhất là công nghiệp bán dẫn…
Để thực hiện được định hướng phát triển nói trên, cần có hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng đến năm 2030. Cụ thể là:
Thứ nhất, áp dụng thủ tục đầu tư rút gọn (chỉ định thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư đồng thời với giao đất, cho thuê đất) đối với dự án quy mô lớn của doanh nghiệp (nhà đầu tư) lớn, có uy tín trong nước hoặc quốc tế trong công nghiệp công nghệ cao, logistics, tổ hợp thương mại và văn phòng, trung tâm mua sắm, xử lý chất thải rắn và nước thải, bảo vệ môi trường.
Thứ hai, cho phép thành phố Đà Nẵng hỗ trợ giá trị quyền sử dụng đất thực hiện các dự án PPP trong các dự án phát triển đô thị hiện đại, xanh và thông minh trên hai bên bờ sông Hàn, dự án đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm, các trung tâm thương mại đa chức năng, dự án xử lý chất thải.
Thứ ba, cho phép Đà Nẵng mở thêm cơ sở casino cho khách du lịch. Số lượng, quy mô các cơ sở casino do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.
Thứ tư, có chính sách, cơ chế ưu đãi đặc thù vượt trội về sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo ngoài công lập áp dụng các chương trình đào tạo quốc tế tốt, đào tạo song ngữ (Tiếng Việt và một tiếng nước ngoài phổ biến).
Thứ năm, đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, năng lực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp bán dẫn và công nghiệp công nghệ cao khác cho Đại học Đà Nẵng, nhất là trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng và các trường đại học khác.
Thứ sáu, thành lập quỹ (không giới hạn quy mô với đóng góp của ngân sách địa phương, doanh nghiệp và các nguồn khác) về nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; được tự chủ hoạt động theo mục tiêu, các KPIs và theo điều lệ do Uỷ ban Nhân dân thành phố ban hành.
Thứ bảy, áp dụng thuế thu nhập cá nhân 10% đối với chuyên gia, nhà nghiên cứu, người lao động có trình độ cao… làm việc tại doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, trong các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao khác.
Cuối cùng, bên cạnh quyết tâm chính trị, đổi mới tư duy và sáng tạo của cả hệ thống chính trị, nhất là những người lãnh đạo, cần sớm có một nghị quyết mới của Quốc hội về cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng. Điều này góp phần quyết định vào việc thực hiện thành công nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Ngày 24 tháng 1 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 43 NQ/TW về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Ngày 2 tháng 11 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1287 QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045.
Hiện nay, mọi nỗ lực tập trung vào triển khai thực hiện nội dung hai văn kiện nói trên. Hy vọng, những động lực sẽ tiếp tục được phát huy để Đà Nẵng trở thành động lực phát triển của vùng đất miền Trung.
Chi tiết mời xem thêm: Du lịch Đà Nẵng tăng dần sức nóng