Chuyên gia nhận định, trong năm 2022, có 4/10 luồng tiền của bất động sản ở trạng thái tiêu cực thì hiện nay đã có thay đổi theo hướng tích cực hơn hoặc ít nhất là đi ngang. Trong năm 2023 sẽ không có luồng tiền nào tiêu cực hơn so với năm 2022.
Nửa cuối năm 2022, dòng vốn cho bất động sản là câu chuyện “nhức nhối”. Cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà đều gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền.
Thực tế, không ít doanh nghiệp bất động sản hiện nay đã rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn. Họ đang rất cần vốn để triển khai dự án, trả lương cho nhân viên, trả nợ ngân hàng và nhà cung cấp.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), do tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, nghẽn cả nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số doanh nghiệp bất động sản hiện đói vốn, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro. Có trường hợp phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40-50% giá hợp đồng) tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ nhưng có tiềm ẩn rủi ro khi các tài sản thuộc loại sản phẩm hình thành trong tương lai (vừa bán vừa xây).
Vậy, bước sang năm 2023, dòng tiền bất động sản còn tiếp tục khó khăn như năm 2022 hay sẽ được tháo gỡ?
Chia sẻ tại một diễn đàn về bất động sản mới đây, PGS. TS Trần Kim Chung – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã xem xét trên 10 bình diện luồng tiền và nhận thấy những tín hiệu tích cực là chủ đạo.
Luồng tiền thứ nhất là tín dụng năm 2023 sẽ tốt hơn năm nay nhờ quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023.
Luồng tiền thứ hai là chứng khoán đã có xu hướng tăng. Đặt khả năng nếu chứng khoán tăng đến mức 1.300 – 1.400 sẽ có một lượng tiền lớn đi vào nền kinh tế và bất động sản.
Luồng tiền thứ ba trái phiếu dần phục hồi, năm 2023 có khoảng hơn 6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn nhưng với các phản ứng chính sách đã được đưa ra, vấn đề này được kiểm soát.
Luồng tiền thứ tư là nguồn vốn đầu tư nước ngoài có nhiều triển vọng gia tăng. Hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi. Lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.
Luồng tiền thứ năm là kiều hối vẫn đang rất ổn định. Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hồi lớn nhất thế giới, trong đó ước tính 25% kiều hối đầu tư vào bất động sản nói chung.
Luồng tiền thứ sáu là các nhà đầu tư tiềm năng không hạn chế khi có cơ hội sẽ đầu tư ngay với tâm lý không có ngoại lệ là có tích luỹ sẽ đầu tư đất đai, nhà ở.
Các luồng tiền còn lại ở mức ổn định như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vượt qua thời điểm khó khăn; M&A tiếp tục tăng; những nhà đầu tư chiến lược mới xuất hiện có thể xem như sếu đầu đàn thay đổi cục diện của một địa phương, một vùng kinh tế…
“Trong năm 2022, có 4/10 luồng tiền này ở trạng thái tiêu cực thì hiện nay đã có thay đổi theo hướng tích cực hơn hoặc ít nhất là đi ngang. Sẽ không có luồng tiền nào trong năm 2023 tiêu cực hơn trong năm 2022”, ông Chung nhận định.
Vị chuyên gia này cho rằng, cần có chính sách khơi thông dòng chảy luồng tiền, thay vì hỗ trợ tài chính từ phía cung sẽ chuyển sang phía cầu, tức người mua, với những điều kiện vay vốn ưu đãi nhất định dành cho một số đối tượng khách hàng cụ thể khi có giao dịch được thực hiện. “Trước đây, chúng ta đã thực hiện các gói hỗ trợ người mua nhà ở xã hội vay vốn ưu đãi đã góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển”, ông Trần Kim Chung nêu dẫn chứng.
Theo nhịp sống thị trường
Mời xem thêm: Dự báo thị trường năm 2023: Giá bất động sản sẽ tăng trở lại