Thị trường bất động sản hiện vẫn ghi nhận mức độ quan tâm gia tăng và mức giá tịnh tiến. Điều đó cho thấy, bất động sản vẫn một kênh đầu tư được yêu thích và nhiều nhà đầu tư vấn đặt niềm tin cho sản phẩm này.
Niềm tin thị trường phục hồi sau dịch rất lớn
Thị trường bất động sản dẫu bị “tổn thương” bởi những diễn biến khốc liệt của làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nhưng đã nhanh chóng trỗi dậy dẫn dắt thị trường, trong khi những ngành kinh tế khác nhích từng bước chậm chạp để tái phục hồi.
Tại nhiều quốc gia, khi kinh tế dần bước vào giai đoạn mở cửa sau đại dịch cũng là lúc thị trường nhà đất trở nên sôi động với hàng loạt những giao dịch mới. Đơn cử như tại Singapore, ngay khi vaccine Covid-19 được phủ kín, lượng giao dịch và giá nhà tăng đáng kể. Đặc biệt ở những vùng lõi của khu vực trung tâm, giá bất động sản tăng gần 25%.
Hay cuộc khảo sát gần đây của công ty tư vấn bất động sản Duff & Phelps (REAG) tại New York (Mỹ) với 179 chuyên gia bất động sản thương mại quốc tế cho thấy, gần 80% người được hỏi lạc quan về thị trường trong năm 2022 so với đợt dịch tháng 3/2020.
Tương tự tại Việt Nam, trong 2 năm vừa qua, thị trường hình thành một quy luật đáng chú ý là sau mỗi đợt Covid-19, mức độ quan tâm đối với bất động sản được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, phản ánh nhu cầu thị trường bất động sản luôn rất cao.
Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, sau đợt dịch Covid-19 thứ nhất, mức độ quan tâm tới bất động sản tăng 306%, sau Covid-19 lần 2 tăng 62%, sau Covid-19 lần 3 mức tăng là 376% và lần thứ 4 là 105%. Điều đó cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư, của người quan tâm bất động sản Việt Nam vẫn rất lớn.
Mức độ quan tâm bất động sản các quý trong năm 2021 cao hơn 2019.
Theo các chuyên gia, hậu Covid-19 lần 4, nhu cầu quan tâm tìm mua nhà phố, đất nền tại các vùng phụ cận đang tăng lên. Làn sóng bỏ phố về vườn và xu hướng ngôi nhà thứ hai đang bùng nổ, tiếp sức cho các dự án vùng ven tăng trưởng và thu hút nhiều người quan tâm. Trong đó, dòng sản phẩm nhà phố, đất nền có giá từ 1 – 2 tỷ đồng trong phạm vi cách TP.HCM khoảng 200-300 km sẽ là sản phẩm được săn tìm nhiều và phục hồi giao dịch nhanh sau dịch.
“Đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Có thể không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng vẫn sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm”, các chuyên gia nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định: “Năm 2021, thị trường bất động sản được ví như chiếc lò xo bị nén chặt chờ cơ hội bật mạnh. Tuy nhiên do tác động của yếu tố ngắn hạn là dịch bệnh cũng như ảnh hưởng của việc siết nguồn cung làm cho sự quan tâm tới thị trường bị nén rất mạnh. Sang năm 2022, chúng ta có thể liên tưởng thị trường bất động sản sẽ “cất cánh” như hình tượng ngôi nhà bay lên cao trong bộ phim “Up”. Tất nhiên thị trường sẽ không tăng đột ngột mà lên dần đều, cung và cầu tốt hơn tạo ra bước phát triển trong giai đoạn “bình thường mới”.
Kịch bản thị trường 2022
Tiếp thêm thêm niềm tin cho nhà đầu tư, nhiều dự báo từ các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy khả năng hồi phục tích cực của thị trường bất động sản trong năm 2022.
Cụ thể, cả VNDirect và MBKE đều có góc nhìn lạc quan khi bàn về kịch bản bất động sản năm 2022 dựa vào tình hình vĩ mô có nhiều dư địa tăng trưởng và động thái gỡ nút thắt pháp lý.
Theo đó, thời điểm thị trường bắt đầu nhịp sôi động trở lại đón dịp cao điểm cuối năm 2021 sẽ là bàn đạp để ngành địa ốc năm 2022 được dự báo phục hồi và đạt nhiều gam màu tươi sáng.
VNDirect tin rằng thị trường bất động sản sẽ bước vào thời điểm thuận lợi từ năm sau với nguồn cung đang dần hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý. Trong khi đó, nguồn cầu cũng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trên diện rộng, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp và cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh phát triển.
Đáng chú ý, riêng phân khúc nhà ở trong năm 2022, nhà đầu tư đặt niềm tin vào bệ đỡ vững chắc là: GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 7,5%, trong khi đó rủi ro lạm phát là không đáng lo ngại trong hai quý đầu năm. Bên cạnh đó, lãi suất vay mua nhà tiếp tục duy trì ở mức 9,2 – 9,5% tạo thuận lợi cho thị trường phát triển.
VNDirect cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ thích ứng vào năm 2022 nhờ lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Vì thế, lãi suất cho vay mua nhà sẽ được duy trì ở mức thấp ít nhất tới cuối quý II/2022, từ đó sẽ hỗ trợ kích cầu bất động sản. Ngoài ra, việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng trong tương lai, trong đó có thị trường nhà ở.
Thị trường bất động sản 2022 được dự báo có nhiều tín hiệu lạc quan.
Cũng với quan điểm lạc quan, đơn vị chứng khoán MBKE lấy kịch bản tháo gỡ nút thắt pháp lý làm kỳ vọng cho ngành bất động sản trong năm mới. Trong vài năm qua, hầu hết các chủ đầu tư ở Việt Nam đã phải đối mặt với những rào cản pháp lý do cơ quan chức năng liên tục xử lý các hành vi tham nhũng liên quan đến việc quản lý và sang nhượng các khu đất “vàng” ở Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn sau dịch bệnh, cơ quan chức năng bắt đầu xem xét giải quyết các nút thắt về quy định để tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đó là điều kiện thuận lợi cho nguồn cung nhà ở tại các thành phố lớn thông suốt hơn.
Bộ Xây dựng gần đây đã thông báo đang làm việc để sửa đổi Luật Xây dựng Việt Nam 2020 và Luật Đầu tư 2020 mới. Trước khi các thay đổi của luật được hoàn thiện, sẽ ban hành 2 Nghị định để hướng dẫn luật kinh doanh bất động sản và luật thông tin thị trường bất động sản.
Nhìn chung, ba luật đang được xem xét hiện nay bao gồm luật xây dựng, luật đầu tư và luật đất đai. Luật xây dựng bao gồm việc xem xét thủ tục phê duyệt các dự án phát triển của chính quyền địa phương và việc xem xét các dự án đang chờ cấp phép xây dựng. Rà soát luật đầu tư bao gồm các lĩnh vực như sự không nhất quán về thuật ngữ giữa luật đầu tư, thủ tục đầu tư và luật nhà ở. Trong khi luật đất đai cũng có thể được xem xét thay đổi để theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của thị trường bất động sản.
“Các luật và hướng dẫn mới sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt trong quá trình phê duyệt các dự án khu dân cư và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng bắt đầu từ nửa cuối năm 2022”, MBKE nêu rõ.
Đơn vị này cũng đánh giá, bất động sản vẫn là ngành phát triển trọng tâm của nền kinh tế. Theo nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, lĩnh vực bất động sản đóng góp 13,6% vào GPD của Việt Nam năm 2019 và chiếm 20,8% tổng tài sản của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, thu nhập từ lĩnh vực bất động sản giảm 10% thì có thể làm giảm 1,247% GDP của Việt Nam.
MBKE tin rằng Chính phủ nhìn nhận được tầm quan trọng của ngành này và sự cấp thiết phải hoàn thiện các quy định pháp lý, tạo thuận lợi để bất động sản tiếp tục là một trong những động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo: Tạp chí Bất động sản