Các chính sách tháo gỡ cho thị trường bất động sản từ Chính phủ đang bắt đầu thẩm thấu từ nay tới cuối năm 2023. Dự báo từ tháng 10 xuất hiện một lượng tiền lớn rút ra khỏi ngân hàng để chảy vào các kênh đầu tư khác
Những biến chuyển tích cực
Trong vài tháng gần đây, thị trường địa ốc có những chuyển biến rõ rệt khi Chính phủ liên tục đưa ra chính sách gỡ khó cho thị trường. Nhiều doanh nghiệp địa ốc có kế hoạch tung hàng ra thị trường, lãi suất cho vay hạ nhiệt…
Một môi giới BĐS tại Hà Nội cho hay, khối lượng dẫn khách đi xem mua nhà hiện nay đang nhiều dần lên. Ngoài khách mua lẻ, thì cung có sự trở lại của các nhà đầu tư, trong đó nhóm nhà đầu tư có nhu cầu “săn” những căn nhà liền thổ, chung cư mini có dấu hiệu tăng mạnh.
Không giống như cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động vào cuối năm 2022, mà thị trường đang chứng kiến cuộc đua giảm lãi suất huy động trong các tháng gần đây.
Đáng chú ý, sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng khẩn trương triển khai những đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, người dân và hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Có thể thấy, lãi suất niêm yết của hầu hết các ngân hàng thương mại hiện đều giảm rất nhanh. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại nhiều nhà băng đã lùi về dưới mức 8%/năm trong nửa đầu năm 2023. So với mức “đỉnh” vào tháng 12/2022, hiện nay mức lãi suất đã giảm từ 2 – 4%/năm tùy từng ngân hàng. Ở thời điểm hiện tại, có rất ít ngân hàng thương mại còn giữ mức lãi suất trên 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Cuối năm 2022 đến tháng 2/2023, khi lãi suất huy động đạt đỉnh 10 – 11%/năm, người dân ồ ạt gửi tiền ngân hàng để hưởng lãi suất cao trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, từ tháng 2 đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm dần, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng đã không còn là sự ưu tiên đối với người dân. Lãi suất huy động hạ nhanh khiến cho lượng tiền chảy vào ngân hàng suy giảm.
Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam – Ông Nguyễn Anh Quê chia sẻ, thị trường bất động sản ngày càng có điểm sáng mới. Dự báo lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm, lãi suất cho vay bất động sản cũng giảm dần. Từ tháng 10/2023 trở đi sẽ xuất hiện một lượng tiền lớn đáo hạn ngân hàng để mua BĐS, đầu tư chứng khoán, sản xuất kinh doanh.
Như vậy, bất động sản sẽ được phục hồi, lãi suất khi đó cũng thấp hơn so với thời điểm hiện tại và có các gói vay cố định khoảng từ 7,5 – 8,5%/năm. Đáng chú ý, quý IV/2023 sẽ là thời điểm vàng để vay đầu tư BĐS, đồng thời cũng xuất hiện thêm nhiều các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính mua BĐS để chờ “sóng hồi”.
Theo nhận định của bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills Hà Nội, thị trường vào giai đoạn cuối năm sẽ ghi nhận những biến chuyển tích cực hơn vì các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường địa ốc sẽ phát huy hiệu quả.
Đồng thời, ngân hàng cũng hạ nhiệt lãi suất, đây là cơ hội để người dân có thể dễ dàng tiếp cận vốn và thực hiện ước mơ “an cư lập nghiệp”.
Chờ đợi thị trường đảo chiều
Chuyên gia bất động sản – TS Nguyễn Hữu Cương nhận xét, thị trường địa ốc đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, hiện nay đang dần phục hồi. Vào cuối năm, những tín hiệu khởi sắc và phục hồi sẽ ngày càng rõ nét, vì đây là giai đoạn mà các chính sách gỡ vướng cho thị trường BĐS, thị trường trái phiếu phát huy hiệu quả.
“Vào thời gian tới đây, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc để đưa nguồn cung mới vào thị trường; Xây dựng cơ chế riêng cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở có giá phải chăng, phù hợp với những người thu nhập thấp và những cơ chế khác một cách cẩn trọng nhằm tránh gây ra hiện tượng nước chảy chỗ trũng hay bong bóng BĐS, gây bất lợi cho người dân và tạo hệ lụy xấu lên nền kinh tế” – Vị chuyên gia nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực nhận định, từ quý IV/2023 trở đi, các tín hiệu hồi phục của thị trường sẽ ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, theo ông Lực, chính sách gỡ vướng của Chính phủ sẽ có độ trễ nhất định khi đưa ra thị trường. Vì vậy cần một khoảng thời gian để các chính sách này “ngấm” vào thị trường BĐS và phát huy tác dụng. Theo đó, cuối năm nay sẽ là thời điểm phù hợp để chính sách phát huy hiệu quả.
Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng đưa ra dự báo, thị trường BĐS có thể hồi phục và phát triển lành mạnh, minh bạch, chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III/2024 nhờ vào các bước tiến mới về môi trường pháp lý; Triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; Sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Xu hướng chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ của công nghệ 4.0; Sự đa dạng hóa các nguồn lực tài chính…
Từ đó, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, đối với các chủ đầu tư/ doanh nghiệp phát triển dự án BĐS cần chủ động hơn trong việc điều chỉnh, cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, chú trọng vào những sản phẩm phù hợp nhu cầu thực. Rà soát, giữ lại các dự án có khả năng thực hiện. Chuyển nhượng và chuyển giao những dự án không đủ năng lực thực hiện. Tập trung nguồn lực vào các dự án đã có giấy phép đầy đủ, hoàn thiện pháp lý, tránh đầu tư kiểu dàn trải, kéo dài tiến độ thực hiện…
Nguồn Real times