Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến mặt bằng giá bất động sản, trong khi nhiều nhà đầu tư chọn thế “phòng ngự”, thì nhiều người khác lại có xu hướng thu gom nhà đất giá rẻ, đón đầu cơ hội sinh lời khi mùa dịch trôi qua.
Năm 2008-2011, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra đã khiến cho thị trường bất động sản rơi vào suy thoái. Giá nhà đất thậm chí đã giảm đến 50%, và nhiều nhà đầu tư ưa mạo hiểm thời đó đều đã thu được lợi nhuận lớn vào năm 2014 khi thị trường tăng trưởng trở lại.
Đến năm 2019, lặp lại chu kỳ, giá bất động sản bắt đầu hạ nhiệt sau sự “vỡ trận” của cơn sốt đất. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, thị trường bất động sản mới thực sự đối mặt với khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính chất nhạy cảm của thị trường sau quý I/2020 phơi bày rủi ro lớn cho các thành phần kinh tế, nhưng cũng mang lại cơ hội cho rất nhiều người để tận dụng thời cơ “bắt đáy”.
Giá bất động sản đã giảm đến mức nào?
Trong các báo cáo của CBRE, đơn vị này nhận định thị trường bất động sản Việt Nam đã phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 chỉ sau một vài tháng dịch bùng phát. Gần như toàn bộ các loại hình bất động sản từ thương mại, nghỉ dưỡng, công nghiệp đến nhà ở đều đối mặt với những thách thức lớn, doanh thu sụt giảm.
Theo đó, dòng tiền của cả người dân và doanh nghiệp đều bị tắc nghẽn. Nhiều nhà đầu tư thứ cấp có năng lực tài chính kém đã chấp nhận bán gấp, bán tháo tài sản để tránh bị lỗ sâu và thu về quỹ “phòng ngự”. Trong khi đó, báo cáo thị trường quý I/2020 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho biết, nhiều chủ đầu tư hạn hẹp về tài chính đã có dấu hiệu tìm kiếm nhà đầu tư để chào mời, chuyển nhượng dự án theo hình thức M&A, bán cổ phần hoặc bán từng phần dự án, khiến giá bất động sản được phen “lao dốc”.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, giá đất tại thị trường Đà Nẵng trong mùa dịch Covid-19
đã giảm trung bình 20-30% so với thời điểm đầu năm 2019
Đơn cử, tại thị trường Đà Nẵng, một lô đất nền tại khu Nam Hòa Xuân vào đầu năm 2019 có giá 4 tỷ đồng đến nay chỉ còn được giao dịch với giá khoảng 2,9 tỷ đồng. Làn sóng sụt giảm giá đất thậm chí còn diễn ra với biên độ mạnh hơn, đến 40-50%, như tại khu đô thị FPT City, từ khoảng 3,6 tỷ đồng/lô nay chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng/lô. Trong khi đó, tại các khu đô thị Phước Lý, Golden Hills, nhà đầu tư thay vì phải bỏ ra 3,6 tỷ đồng để mua một lô đất nền thời sốt giá đầu năm 2019 thì ở thời điểm này chỉ cần chi nhẹ 1,7 tỷ đồng là có thể sở hữu được.
Như vậy, giá bất động sản chịu tác động kép của chu kỳ thị trường và dịch Covid-19 đã giảm đến 2 lần. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, giá bất động sản đến tháng 4/2020 đã chạm đáy và sẽ chỉ tăng chứ không có khả năng giảm thêm được nữa. Vì vậy, bất cứ nhà đầu tư nào có đủ tài chính để mua bất động sản thời điểm này cũng sẽ có được nhiều lợi thế và tiềm năng gia tăng giá trị vượt trội trong tương lai, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường phục hồi và phát triển trở lại.
2 xu hướng săn đất nền thời giá chạm đáy
Tỷ phú Warren Buffett – người giàu có thứ 3 thế giới chỉ sau Jeff Bezos và Bill Gates – là một nhà đầu tư nổi tiếng có khả năng thu lợi ngay cả khi nền kinh tế khủng hoảng. Năm 2008, ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Lehnman Brothers đệ đơn xin bảo hộ phá sản, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất toàn cầu. Khi chỉ số Dow Jones giảm đến 778 điểm, mức giảm xấp xỉ 7%, 1.200 tỷ USD vốn hoá bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Mỹ chỉ trong một ngày, người ta tìm cách bán tống bán tháo tài sản của mình, thì Warren Buffett lại thu mua chúng với mức giá rớt gần như thẳng đứng.
Thực tế đã chứng minh cho tầm nhìn của Buffett: 10 năm sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, chỉ số cổ phiếu của 500 doanh nghiệp sở hữu giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn NYSE hoặc NASDAQ (S&P 500) đã tăng đến 130%. Ông cho rằng, khủng hoảng là người bạn thân thiết của nhà đầu tư, nó cho phép chúng ta sở hữu một phần tương lai của thị trường với mức giá rẻ mạt.
Triết lý đầu tư kinh điển của Warren Buffett mang lại cho ông những món lợi nhuận khổng lồ
trong suốt sự nghiệp của mình
Ngày nay, khi nền kinh tế tiếp tục rơi vào khủng hoảng và thị trường bất động sản đã tỏ rõ mức độ tổn thất, giá nhà đất giảm đến mức không thể thấp hơn, nhiều người ráo riết bán ra thì cũng có nhiều người lặng lẽ mua vào. Do đó, trên thị trường hiện nay, cũng tồn tại một loại hình giao dịch, đó là những nhà đầu tư thứ cấp chuyên đi thu gom lại sản phẩm nhà đất thời xuống giá.
Tại các thị trường lớn, thu hút đông đảo nhà đầu tư như Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM, thực tế về hàng trăm doanh nghiệp đóng cửa và hàng ngàn nhà đầu tư “ăn xổi” mau chóng thoái lui khỏi thị trường, giá đất giảm với biên độ mạnh nhất, cũng đồng nghĩa với khả năng mà thị trường có thể đưa giá bất động sản trở lại đỉnh với biên độ cao nhất, thu về lợi nhuận tốt nhất. Do đó, các nhà đầu tư trung thành với thị trường lớn thường là những người có quỹ tài chính dồi dào, tập trung vào tầm nhìn dài hạn, có kinh nghiệm đầu tư những lúc thị trường đi xuống và đặc biệt ưa mạo hiểm, dám đứng trên “đỉnh sóng” để chấp nhận rủi ro lớn, đón đầu cơ hội lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam tại thị trường Đà Nẵng, một chuyên viên môi giới cho biết các sản phẩm đất nền của dự án khu đô thị One World Regency tại phía Nam thành phố vẫn tiếp tục được giao dịch trung bình 10-20 sản phẩm mỗi tuần ngay trong mùa dịch Covid-19.
Trong khi đó, tại các thị trường tỉnh tiềm năng của miền Trung, đặc biệt là Quảng Ngãi – một địa phương đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế quan trọng, cũng có những nhà đầu tư đi gom đất nền giá rẻ, nhưng họ lại thích đứng trên những đỉnh sóng an toàn hơn. Bởi vì, thị trường tỉnh thường ít chịu tác động của khủng hoảng, ít xảy ra tình trạng bong bóng nhà đất, tính bền vững cao, phù hợp cho những nhà đầu tư thận trọng, đòi hỏi sự an toàn – một xu hướng đầu tư đã được định hình, theo CBRE – giữa thời điểm nhạy cảm của nền kinh tế như hiện nay.
Đầu năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký hàng loạt quyết định
xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới
Khảo sát các chuyên viên môi giới bất động sản tại thị trường Quảng Ngãi cũng cho thấy, các dự án sở hữu vị trí chiến lược, đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý như khu đô thị Nam ĐH Phạm Văn Đồng, khu dân cư An Điền Phát, Phú Điền Residences… đều đạt giao dịch ổn định khoảng 5-10 sản phẩm mỗi tuần.
Một môi giới phân tích, nếu đầu tư vào Quảng Ngãi ở thời điểm này, nhà đầu tư vừa có thể mua được đất với mức giá rẻ giữa thời bất động sản chạm đáy, vừa có thể bắt nhịp với biên độ phát triển kinh tế lớn của tỉnh, mà tiềm năng gia tăng giá trị bất động sản của nó nằm cả ở tương lai. Ngày nay, khi tác động của dịch Covid khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, các dự án hội tụ đầy đủ các yếu tố pháp lý, hạ tầng và vị trí đắc địa chính là lựa chọn tốt nhất để đầu tư. Tuy nhiên, dù với mức giá hấp dẫn, nhà đầu tư cũng nên tránh đổ tiền vào những dự án chứa rủi ro pháp lý có thể đưa đến nhiều hệ lụy về sau.
Khu đô thị Nam ĐH Phạm Văn Đồng – một trong các dự án tại trung tâm TP Quảng Ngãi
đã hoàn thiện pháp lý, hạ tầng và có chính sách giá bán tốt nhất hiện nay
Nhận định về các xu hướng săn bất động sản thời kỳ chạm đáy, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết: “Dòng tiền của nhà đầu tư có thể phân bổ nhiều nơi, nhiều kênh khác nhau. Nhưng, với những nhà đầu tư có kinh nghiệm ở lĩnh vực bất động sản lâu năm thì chắc chắn họ sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Mặc dù cách phân bổ dòng tiền của họ sẽ theo xu hướng chắc chắn, an toàn hơn nhưng bỏ tiền vào bất động sản cũng chính là cách họ gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất”.
Trước những tác động nặng nề của dịch Covid-19 đối với thị trường bất động sản, giá đất giảm “kịch sàn”, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa và nhiều nhà đầu tư đã rút lui khỏi thị trường, ngành bất động sản thực tế vẫn tiếp tục “sống”, bởi thời thế khó khăn chính là cuộc chơi của những nhà đầu tư khác biệt.