Đẩy các kênh bơm vốn cho thị trường bất động sản

24/01/2024
Viet Nam Smart City trêngoogle news

Hàng chục ngân hàng tham gia làn sóng hạ lãi suất, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần được khơi thông, thị trường chứng khoán khởi sắc… Các kênh bơm vốn cho thị trường bất động sản đang được kỳ vọng ấm trở lại.

Lãi suất giảm – trái phiếu, tín dụng dần khởi sắc

Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động. Đây được coi là một trong những nỗ lực của ngành ngân hàng để đẩy vốn ra nền kinh tế. Theo các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức đáy trong suốt năm để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thanh khoản dồi dào, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân được dự báo duy trì ở vùng thấp 4,5-5%/năm trong năm 2024. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân cũng được dự đoán sẽ giảm thêm 0,5-1%.

Đẩy các kênh bơm vốn cho thị trường bất động sản - Viet Nam Smart City

Thực tế, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay mua nhà tại nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã giảm 1-1,5% so với cuối năm ngoái.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tín dụng 15% ngay từ đầu năm để các tổ chức tín dụng chủ động kế hoạch tăng trưởng, các ngân hàng đang trong cuộc đua cạnh tranh tìm khách hàng vay vốn. Bất động sản là một trong các trọng tâm được ngành ngân hàng nhắm tới, vì đây là lĩnh vực có cầu vốn cao, sức hấp thụ vốn tốt.

Ngoài diễn biến tích cực của lãi suất, thị trường trái phiếu cũng có sự khởi sắc. Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong nửa đầu tháng 1/2024, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được công bố. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp diễn ra khá nhộn nhịp.

Lũy kế cả năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành được ghi nhận gần 334.000 tỷ đồng, với 29 đợt phát hành ra công chúng và 316 đợt phát hành riêng lẻ. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 22,5%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, hiện bất động sản có 6 kênh hút vốn chính là: ngân sách nhà nước, khách hàng, nguồn vốn tín dụng bảo lãnh, cho thuê tài chính, vốn tự có và vốn góp, huy động từ thị trường vốn và nguồn vốn từ nước ngoài. Trong đó, kênh tín dụng nhà ở và bất động sản khu công nghiệp còn nhiều dư địa tăng trưởng.

“Bất động sản đã qua thời kỳ khó khăn nhất. Vốn cho lĩnh vực này vẫn chảy đều. Việc ngân sách nhà nước giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% từ đầu năm và giảm trọng số rủi ro với bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội (Thông tư 22 /2023/TT-NHNN ngày 29/12/2023) sẽ hỗ trợ lớn cho tín dụng bất động sản năm nay”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Giãn nợ quan trọng không kém tiếp cận vốn mới

Từ cuối năm ngoái đến nay, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Những điểm mới của các bộ luật này sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho thị trường bất động sản, từ đó đẩy mạnh dòng vốn chảy vào lĩnh vực này.

Đẩy các kênh bơm vốn cho thị trường bất động sản - Viet Nam Smart City

Cũng nhận định như vậy, nhưng ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, trăn trở lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là các khoản nợ đến hạn trả của ngân hàng. Năm 2023, Thông tư 02/2013/TT-NHNN về giãn nợ đã giúp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động kinh doanh, qua đó phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Ông Hải kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kéo dài chính sách này.

Gia hạn nợ, giãn nợ cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Cầu vay vốn của doanh nghiệp bất động sản rất lớn, song với khó khăn pháp lý hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được vốn. Chính vì vậy, giãn nợ, kéo dài thời gian gia hạn nợ – với nhiều doanh nghiệp – còn quan trọng hơn cả tiếp cận tín dụng mới.

Việc gia hạn Thông tư 02/2013/TT-NHNN cũng là đề xuất của các ngân hàng. Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho rằng, nếu Thông tư 02/2013/TT-NHNN không được gia hạn, nợ xấu sẽ tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, BIDV đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết tháng 12/2024.

Theo Báo Đầu Tư

Bài viết liên quan

Đà Nẵng kiến tạo ‘mặt tiền tỷ đô’ bên sông, hướng biển

21/02/2024

Đột phá mở rộng không gian đô thị về hướng sông, hướng biển cùng với sự đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ đã và đang đưa “thành phố đầu biển, cuối sông” vươn mình trở thành đô thị hiện đại của đất nước. Biển và sông sẽ tiếp tục là động […]

Xem thêm