Dù để an cư hay đầu tư, việc trang bị vốn kiến thức cơ bản về bất động sản là điều rất quan trọng đối với những khách hàng đang tìm hiểu về cơ hội sở hữu nhà. Cùng Viet Nam Smart City điểm qua 4 loại hình bất động sản cơ bản hiện đang phổ biến tại Việt Nam nhé!
Nhà phố/ Biệt thự
Đây là loại hình BĐS được yêu thích nhất tại Việt Nam, xuất phát từ truyền thống sở hữu lâu đời. Về cơ bản, loại hình nhà này cho phép chủ nhân dễ dàng di chuyển giữa các tiện ích, từ đó đa dạng hoá lựa chọn về tiện nghi – dịch vụ nhờ vị trí thường năm tại mặt tiền các trục đường giao thông. Trong bối cảnh quỹ đất trung tâm ngày càng khan hiếm, những căn nhà này thường có giá trị ngày một tăng, mang đến cảm giác sở hữu cá nhân cao và “đẳng cấp” cho chủ nhân.
Những lý do trên cũng là nguyên nhân làm nên mức giá cao của loại hình BĐS này so với các hình thức nhà ở khác. Điều cần chú ý nhất khi chọn mua nhà phố/ biệt thự là các yếu tố pháp lý: giấy pháp xây dựng, sổ đỏ/ sổ hồng, tính hợp pháp của giao dịch…
Shophouse
Shophouse là mô hình nhà ở kết hợp với kinh doanh thương mại đang rất được quan tâm trong vài năm trở lại đây. Trong đó, tầng 1 thường dùng để kinh doanh, còn tầng 2, 3 trở lên là nhà ở. Mô hình này sở hữu những lợi thế về vị trí, không gian và diện tích do thường nằm ở vị trí đắc địa như tầng trệt các TTTM, hay vị trí trung tâm các khu dân cư sầm uất, hiện đại. Đặc điểm này thu hút cả người mua lẫn nhà đầu tư nhờ khả năng phát triển nhiều mục đích, từ kinh doanh, cho thuê văn phòng, cho thuê lưu trú…
Tuy nhiên, đừng quên rằng Shophouse không phải nhà ở thuần tuý; do đặc tính “lai” giữa cửa hàng và nhà ở, cần phân biệt rõ từng không gian để có đăng ký tương ứng. Bên cạnh đó, các shophouse thuộc khối đế của chung cư cũng có hành lang pháp lý riêng cần tuân thủ.
Chung cư / Căn hộ
Có lẽ không ai còn lạ lẫm với hình thức BĐS này: một toà nhà chung cư sẽ bao gồm nhiều căn hộ, trong đó có đầy đủ các khu vực công năng của một căn nhà. Tuỳ vào diện tích, tiện ích kèm theo, phong cách thiết kế… mà chung cư sẽ có nhiều mức giá khác nhau, phân cấp thành: căn hộ trung cấp, căn hộ cao cấp và căn hộ hạng sang.
Về mặt pháp lý, giờ đây hành lang bảo vệ chủ sở hữu đã khá rõ ràng, trong đó cần quan tâm đến giấy phép xây dựng và sổ đỏ/ sổ hồng thể hiện tính hợp pháp của dự án và giá trị của căn hộ nằm trong đó. Các giao dịch và tiến độ thanh toán cũng cần dựa trên tiến độ thực hiện của dự án, và có quy định pháp luật chi tiết cho từng chi tiết này.
Bất động sản nghỉ dưỡng
Đây là loại hình BĐS không được nhiều người hiểu rõ do đặc tính “kén khách” của bản thân: kết hợp giữa mục đích lưu trú và nghỉ dưỡng, các BĐS này thường nằm trong các khu nghỉ dưỡng và phát triển du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Bình… và hướng đến nhóm khách hàng có nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng thường xuyên, có tiềm lực tài chính mạnh.
Dù đa dạng về hình thức (condotel, căn hộ dịch vụ, biệt thự nghỉ dưỡng…) và có tiềm năng phát triển trong bối cảnh du lịch mở cửa, tuy nhiên, hành lang pháp lý cho loại hình này còn tồn tại nhiều điểm khó khăn và bất cập, khiến cho nhiều dự án bị trì trệ, rủi ro.