Với những tiềm năng được thiên nhiên ưu ái ban tặng, tỉnh Quảng Bình đã và đang dần trở thành 1 trong những điểm đến về du lịch được du khách trong nước và quốc tế chú ý đến. Tỉnh Quảng Bình đã và đang tập trung sức mạnh tổng hợp từ nhiều phía với những chủ trương, chính sách phù hợp để đưa Du lịch Quảng Bình có một diện mạo mới trong tương lai gần.
Điểm đến “Quảng Bình” có gì đặc biệt ?.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng Quảng Bình là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch và khẳng định được thương hiệu du lịch “Quảng Bình” trên bản đồ du lịch quốc tế. Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng và giàu tài nguyên phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam với di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, những cánh rừng nguyên sinh có độ che phủ lớn nhất Việt Nam, một trong những thiên đường nghỉ dưỡng biển.
Quảng Bình được các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến đáng trải nghiệm nhất tại Việt Nam và New York Times bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á (2014). Miền Trung với các điểm đến nổi bật là Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa… cũng được Lonely Planet vinh danh là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á (2019).
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình nằm ở vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội của Việt Nam, vị trí chiến lược hành lang phát triển kinh tế Đông – Tây, là cửa ngõ phía Đông thông ra biển của vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar.
Đặc biệt Quảng Bình có hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ và hoàn thiện về cả đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy, đường biển, đường ống với hệ thống đường ven biển, đường cao tốc Bắc Nam, dự án mở rộng nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới, cảng biển tổng hợp quốc tế Hòn La đang triển khai..
Nhiều dự án đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển đang trong quá trình hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện. Các thương hiệu khách sạn, nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới đã đồng hành với các nhà đầu tư triển khai các dự án tại Quảng Bình: Pullman, Melia, Dolce, Radisson, Novotel, Movenpick, Wyndham, Fusion…
Hệ thống các cơ sở lưu trú, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch cũng ngày được mở rộng cả về số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 507 cơ sở lưu trú du lịch với 8.247 phòng, 16.000 giường; gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…
Cần một sức mạnh tổng hợp…
Với lợi thế cạnh tranh về tài nguyên và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như vậy, tỉnh Quảng Bình xác định tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch “Quảng Bình” trên bản đồ du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, du lịch Quảng Bình vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, chưa phát triển thực sự tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch còn ít so với tiềm năng, nhiều sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện; hạ tầng kỹ thuật về du lịch đã được chú trọng đầu tư nhưng đang trong quá trình hoàn thiện và chưa thực sự đồng bộ.
Đơn cử như việc, số cơ sở lưu trú tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên của tỉnh Quảng Bình còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách; hạ tầng, chất lượng các cơ sở dịch vụ du lịch của khu vực quy hoạch khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn hạn chế…
Ông Phan Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Với những lợi thế, tiềm năng về du lịch dịch vụ, tỉnh Quảng Bình đã tập trung huy động các nguồn lực của Trung ương, nguồn vốn từ các dự án của các tổ chức quốc tế, ngân sách địa phương và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
“Một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình như việc giảm mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh đối với các sản phẩm du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo hay những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Bình giai đoạn 2023 – 2025″… ông Hùng cho biết thêm.
Có thể khẳng định rằng, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, do đó để phát triển du lịch Quảng Bình tương xứng với tiềm năng, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần huy động sức mạnh tổng hợp từ các doanh nghiệp cũng như toàn thể xã hội với các chính sách kiến tạo của các cấp chính quyền…