Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi ngày nay đã được phủ bóng bởi nhiều công trình, nhà máy, phố thị khang trang. Thật trùng hợp, địa phương này cũng vươn lên khỏe khoắn và có nhiều nét tương đồng với thành phố “đầu tàu” của miền Trung – Đà Nẵng.
Tựa vào sông biển và đòn bẩy Dung Quất – Chu Lai
Năm 1994, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp thị sát khu vực vịnh Dung Quất và ra quyết chọn nơi này làm địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, Quảng Ngãi đã được đánh thức. Đây là một trong những dự án trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI, làm tấm bản lề vững chãi cho con đường phát triển của địa phương này về sau.
Hơn 20 năm trôi qua, nhờ vào khai thác và phát triển cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai, Quảng Ngãi bây giờ đã là mảnh đất lành của hàng loạt dự án công nghiệp tầm cỡ: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan, Khu phức hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị VSIP… Tính đến tháng 9/2020, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh đã thu hút 678 dự án với tổng số vốn gần 300.000 tỷ đồng. Quyết định số 452/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương này sẽ mở rộng “thành phố hướng biển”.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngày nay
Tại miền Trung, chiến lược khai thác thế mạnh từ tài nguyên sông, biển để phát triển kinh tế không phải là một câu chuyện mới lạ. Tuy nhiên, trước Quảng Ngãi, Đà Nẵng hẳn là địa phương đã làm tốt nhất. Quyết định xây dựng cầu Sông Hàn vào năm 1998 của người Đà Nẵng, kết nối bờ Đông ven sông ven biển với đô thị trung tâm đã mở ra một kỷ nguyên mới cho thành phố. Tương tự, Quảng Ngãi trong 2 năm qua đã khánh thành 2 cây cầu Thạch Bích và Cổ Lũy với tổng mức đầu tư 2.900 tỷ đồng.
Nhiều năm qua, dưới chính sách thông thoáng của chính quyền Đà Nẵng, hàng loạt dự án khu du lịch, thương mại và dịch vụ đẳng cấp như Intercontinental, Furama, Hyatt, BRG, One World Regency… đã lần lượt mọc lên theo sự khởi sắc của nhịp sống đô thị, định hình một thành phố Đà Nẵng tươi đẹp, năng động trong lòng bạn bè quốc tế.
Năm 2019, Đà Nẵng thu hút 8.692.421 lượt khách du lịch, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, khách quốc tế ước đạt 3.522.928 lượt, tăng 22,5%, khách nội địa ước đạt 5.169.493 lượt, tăng 8%. Tờ The New York Times bình chọn Đà Nẵng là 1 trong 15 điểm đáng đến nhất trên thế giới.
Cú hích từ những công trình
Những thành tựu của thành phố Đà Nẵng ngày nay đã minh chứng cho con đường phát triển đúng đắn của một đô thị phồn vinh. Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi nhìn lại, thật trùng hợp, vùng đất vươn lên từ biển này cũng có nhiều nét tương đồng với thành phố “đầu tàu” của miền Trung.
Từng được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 6 bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh, biển Mỹ Khê của Đà Nẵng với cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, mỗi năm đều thu hút hàng triệu du khách đến tham quan nghỉ dưỡng. Cái tên Mỹ Khê này một cách ngẫu nhiên đã được lặp lại tại Quảng Ngãi. Nhưng khác với vẻ đẹp sắc sảo của biển Mỹ Khê Đà Nẵng, biển Mỹ Khê Quảng Ngãi hoang sơ, thanh bình, chứa đựng nhiều tiềm năng đang chờ đợi để được khai thác.
Vẻ đẹp hoang sơ của biển Mỹ Khê Quảng Ngãi
Bên bờ biển Mỹ Khê Đà Nẵng, Mỹ Khê Quảng Ngãi là hai tuyến đường du lịch chiến lược của thành phố có cùng tên Hoàng Sa. Tại điểm đầu đường Hoàng Sa Đà Nẵng, trên bán đảo Sơn Trà sừng sững tượng Phật Quan Thế Âm, qua hàng trăm năm đã bảo vệ cho cuộc sống con người. Thì đường Hoàng Sa Quảng Ngãi cũng đi qua Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã, nơi sẽ đặt tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Đông Nam Á (122m).
Khu văn hóa Thiên Mã Quảng Ngãi sẽ trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn, tiếp sau chùa Linh Ứng Đà Nẵng
Đặc biệt, tháng 10/2020 vừa qua, cây cầu dây văng hiện đại nhất tỉnh Quảng Ngãi (dài 1.877m) đã chính thức được thông xe, nối trung tâm thành phố Quảng Ngãi với vùng đô thị phía Đông. Sự kiện này hẳn cũng khiến không ít người liên tưởng cầu Cổ Lũy với cây cầu dây văng Thuận Phước đẹp nhất Việt Nam của Đà Nẵng (dài tương đương, 1.856m). Đây đều là những công trình biểu tượng của địa phương, làm nền tảng vững chắc về hạ tầng giao thông để phát triển những thành phố đi về hướng biển.
Cầu Cổ Lũy đã thông xe, đưa khu Đông Quảng Ngãi bước vào giai đoạn phát triển mới
Quảng Ngãi và Đà Nẵng đều là mảnh đất của những bước đi vững vàng. Hành trình của Đà Nẵng đã tạo tiếng vang và truyền cảm hứng cho nhiều hành trình phát triển đô thị mới, mà trong đó, Quảng Ngãi đang ngoi lên là một đô thị trẻ đầy tiềm lực của miền Trung.